Du lịch và thể thao - Bóng Động Lực đã đến Nam Phi

(ANTĐ) - Rõ ràng với lợi thế trời cho về thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú, lại thêm cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hệ thống khách sạn khá tốt, Nam Phi coi du lịch là ngành kinh tế trọng điểm là điều đương nhiên và quả thật du lịch đất nước này có những điều mà thiên hạ phải thèm muốn.

Bất ngờ Nam Phi (kỳ 3)

Du lịch và thể thao - Bóng Động Lực đã đến Nam Phi

(ANTĐ) - Rõ ràng với lợi thế trời cho về thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú, lại thêm cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hệ thống khách sạn khá tốt, Nam Phi coi du lịch là ngành kinh tế trọng điểm là điều đương nhiên và quả thật du lịch đất nước này có những điều mà thiên hạ phải thèm muốn.

Gauteng hiện đại - Cape Town nguyên sơ và còn những đâu nữa?...

Những trái bóng Động Lực được trao tặng ông Giám đốc sân vận động Lotus, Pretoria
Những trái bóng Động Lực được trao tặng ông Giám đốc sân vận động Lotus, Pretoria

Gauteng là 1 vùng hành chính ôm trọn cả hai Thủ đô Pretoria và Johannesburg. Diện tích nhỏ nhất so với 8 vùng còn lại, nhưng Gauteng giành giải quán quân về du lịch, chiếm tới 32% số khách tới thăm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 5%, nhưng riêng du lịch là 8%. Cũng dễ hiểu, bởi là trung tâm của đất nước, vùng Gauteng không chỉ là nơi “đóng quân” của các tập đoàn kinh tế trứ danh, có vô số ngân hàng, thị trường chứng khoán sôi động và nguồn vốn khổng lồ tập trung ở Thủ đô kinh tế Jahannesburg - Gauteng còn có Thủ đô Pretoria với Bảo tàng nghệ thuật, Bảo tàng châu Phi, hàng trăm khu vui chơi thể thao, sân vận động với các môn: bóng đá, bóng bầu dục, cricket.

Sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên được coi sóc tỉ mỉ và được tuân thủ nghiêm ngặt bởi ý thức của mọi công dân, bất kể họ mang màu da trắng, đen hay vàng.

Trong dòng xe hơi choáng lộn vun vút trên đường phố vẫn thấy thong dong những con chim giẽ giun kiếm ăn ở các vạt cỏ vườn hoa, vỉa hè. Một đôi mắt tinh nghịch nhìn ta qua kẽ lá của các chú khỉ, vượn, là hình ảnh quen thuộc ở những khu vườn biệt thự hoặc vườn hoang. Sạch sẽ và ngăn nắp. Hiện đại và nguyên sơ cứ quyện vào nhau ở mỗi góc phố, lùm cây...

Không chỉ có vậy, Gauteng còn có khu bảo tồn quốc gia có tới 200 loài chim, nhiều loài linh dương và hang động Sterkfontein gồm các khối đá vôi ngoạn mục và các hồ chảy ngầm dưới dòng đất và năm 1947 đã phát hiện ra chiếc sọ người cổ nhất châu Phi, được đặt tên là Mrs Ples. Cái nôi của loài người này đã được công nhận là di sản thế giới.

Nếu chỉ trông cậy vào thiên nhiên, du lịch Nam Phi đã có thế mạnh ít quốc gia nào sánh kịp. Nhưng người Nam Phi còn chuyên nghiệp trong tổ chức và phục vụ du lịch.

Thành phố Sun City là một ví dụ - nằm ở vùng hoang mạc, phải lấy nước từ cách đó 300 km về; từ năm 1979, lúc đầu là 1 bây giờ là 4 khách sạn, thấp nhất 3 sao, cao nhất 5 sao được bao bọc bởi rừng cây nhiệt đới với đúng nghĩa của từ này. Hàng chục bể bơi, sân golf. Bãi biển nhân tạo, casino, khách sạn lớn nhất được đặt tên là “The Lost City” (Thành phố bị đánh mất) thiết kế mô phỏng lâu đài thời Trung cổ, làm du khách mới bước vào ngỡ như trong phim “Xác ướp ai cập” với đền đài, miếu mạo, phù điêu, thảm treo, chi tiết đến từng viên gạch.

Cách đấy chừng 15 phút ôtô chạy là khu bảo tồn thiên nhiên. Du khách được ngồi trên những chiếc xe mui trần thỏa sức mà chụp ảnh tê giác, hà mã, hươu cao cổ. Từng đàn Prinhpốc (con hoẵng có cặp sừng cong vút và bộ ức trắng muốt) lao vun vút trên đồng cỏ với bước nhảy thanh thoát mê mẩn.

Tôi có hỏi bà Advocate Cawe Mahlati - Giám đốc điều hành khu du lịch Gauteng - tại buổi làm việc với đoàn nhà báo Việt Nam:

- Có bao nhiêu người lần đầu tiên đến Nam Phi và nói sẽ quay trở lại?

- 70% - bà Mahlati trả lời dứt khoát. Đấy là ý kiến của họ trên lá phiếu thăm dò trước khi lên máy bay rời Nam Phi.

Đến Nam Phi, có đến 90% khách du lịch muốn được biết Mũi Hảo vọng thuộc Cape Town và vùng Western - Cape. Mong muốn ấy quá đúng, bởi đây là cực Nam của châu Phi, nơi nhô ra như mũi con tàu để phân định phía đông là ấn Độ Đương, phía Tây là Đại Tây Đương. Nơi thiên nhiên như trêu đùa những nhà hàng hải quả cảm của châu Âu thế kỷ XV quyết đi qua vùng biển hiểm nguy và bất trắc này để khẳng định: Trái đất tròn.

Người Cape Town rất tự hào về câu thành ngữ: “Khi tạo ra thế giới, Thượng đế đã dành sự ưu đãi đặc biệt cho vùng đất nên thơ này”.

Thành phố Cape Town nằm trong thung lũng, phía trước là đại dương mênh mông, sau lưng là dãy núi bàn (Table Mountain) sừng sững.

Đi từ trung tâm thành phố đến Mũi Hảo Vọng mất chừng 1h30 ôtô. Thực ra ở đây có 2 điểm Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope và Cape Point - Mũi Điểm) nằm ở 2 phía nhô ra của dải đất tận cùng châu Phi.

Cảnh tượng hùng vĩ xâm chiếm tâm hồn du khách như những đợt sóng lừng lững vượt qua các dãy đá ngầm, ầm ầm lao vào vách núi tung bọt trắng xóa. Trời xanh ngắt, nước biển sẫm đen bởi rất sâu. Từng đàn mòng, két đậu kín đen dập dờn trên sóng đại dương. Mùi tanh nồng và ẩm ướt của biển cả, tiếng chiếp chiếp của đàn đà điểu hoang tha thẩn trên bãi sỏi kiếm ăn. Là ấn tượng khắc nếp vào trí óc. Không ai bảo ai, mỗi người trong đoàn đều nhặt một viên sỏi kỷ niệm ở bãi biển Hy Vọng!

Nam Phi còn có những siêu thị cực lớn bán hàng hiệu. Những viên kim cương giá trị hơn cả 1 biệt thự và hàng thủ công mỹ nghệ làm bằng tay đẹp đẽ, khéo léo và giá cả rất phải chăng nếu biết mặc cả giảm ít nhất bắt đầu chỉ bằng 30% giá người bán nói.

Thể thao ở đất nước tổ chức World Cup 2010 bóng Động Lực đã đến Nam Phi

Bóng đá không phải là môn thể thao duy nhất, ở đất nước này còn có bóng chày, cricket, tenis, đua xe đạp, thể thao mạo hiểm vv... nhưng công bằng mà nói bóng đá vẫn ở ngôi vị số 1, nhất là khi Nam Phi được các thành viên FIFA dành cho niềm vinh dự to lớn: Tổ chức World Cup lần đầu tiên ở châu Phi năm 2010.

Tiến sỹ Dany Jorpaan - Giám đốc điều hành ủy ban tổ chức World Cup 2010 nhận biểu trưng Báo ANTĐ do Tổng biên tập Đào Lê Bình tặng
Tiến sỹ Dany Jorpaan - Giám đốc điều hành ủy ban tổ chức World Cup 2010 nhận biểu trưng Báo ANTĐ do Tổng biên tập Đào Lê Bình tặng

Trước khi đi Nam Phi – Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô đã gọi điện cho ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Thể thao Động lực, một mạnh thường quân luôn ủng hộ các phong trào thể thao của Báo An ninh Thủ đô phát động trong đó có “Giải bóng đã học sinh trung học Hà Nội” đã bước sang năm thứ 6.

Tổng biên tập báo có nhã ý mang 20 trái bóng Động Lực tiêu chuẩn FIFA sang làm quà tặng Liên đoàn Bóng đá Nam Phi - ông Thành nhiệt liệt ủng hộ.

Trước khi gặp được quan chức thể thao Nam Phi - Đoàn nhà báo Việt Nam đã được chứng kiến cổ động viên hai đội bóng bầu dục phóng xe trên phố với cờ, mũ, khăn quàng, chiêng trống om xòm. Được mời vào sân vận động Loftus nơi sẽ tổ chức 4 trận đấu của vòng 1 và tứ kết World Cup 2010. Những trái bóng Động lực đã gây ngạc nhiên cho ông Giám đốc sân về chất lượng và hình thức. Ông cho biết sẽ dành 1 quả để ở phòng truyền thống sân. 9 quả còn lại trao ngay cho Đội bóng Blu Bull của Thành phố.

Hiện nay Nam Phi đang sửa chữa và xây mới 10 sân vận động – Tất cả phải hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2008 cho giải bóng đá khu vực để vận hành thử.

Cho đến khi đoàn nhà báo về Việt Nam. Nhân viên sứ quán Nam Phi tại Hà Nội phải reo lên thích thú khi biết tiến sỹ Dany Jorpaan - Giám đốc điều hành ủy ban tổ chức World Cup 2010 đã tiếp đoàn tại Đại bản doanh, một ngôi nhà có mái tròn hình trái bóng bên cạnh sân vận động lớn nhất Nam Phi đang xây dựng ở Johannesburg. Bởi ông là người thứ hai sau nguyên Tổng thống Nelson Mandela hiện là Chủ tịch danh dự của World Cup 2010.

Tiến sỹ Dany Jorpaan bận ngập đầu vì công việc, nhưng ông đã dành cho đoàn 30 phút trò chuyện. Ông hào hứng nói: Sân vận động Socse City mà các bạn nhìn thấy qua cửa sổ phòng tôi đây, có 90 nghìn chỗ ngồi. Sân này sẽ diễn ra trận khai mạc và chung kết. Nên nhớ các sân ở Pháp năm 1998 chỉ có 80 nghìn chỗ, ở Nhật năm 2002, 70 nghìn chỗ và ở Đức năm 2006 cũng có 70 nghìn chỗ.

Ông rất thích thú khi biết đội tuyển Olympic Việt Nam vừa đấu 4 trận đứng thứ nhì bảng ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Ông bắt tay hồi lâu cảm ơn đoàn nhà báo Việt Nam đã tặng khăn lụa Hà Đông cho vợ ông, bóng đá Động lực cho bóng đá Nam Phi và 1 lôgô của Báo An ninh Thủ đô.

Đáp lại sự thân thiện cởi mở của các nhà báo Việt Nam, ông tặng mỗi người 1 chiếc mũ có in lôgô World Cup 2010 và riêng Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô 1 chiếc cà vạt in lôgô World Cup với lời nói trịnh trọng: - Ông là người châu Á đầu tiên tôi vinh dự được tặng quà World  Cup.

Tuệ Vinh

Kỳ IV: Cộng đồng người Việt ta ở Nam Phi