Du lịch thiện nguyện không phải là lấy cớ đi chơi

ANTD.VN - Các tour du lịch thiện nguyện đang thu hút càng ngày càng đông sự tham gia của nhiều người, nhất là những bạn trẻ vừa thích xê dịch lại muốn sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng. Tuy nhiên, nếu tổ chức không tốt những tour du lịch kiểu này sẽ khó tạo được lòng tin với người tham gia, đồng thời làm sai lệch ý nghĩa hoạt động tình nguyện. 

Du lịch thiện nguyện không phải là lấy cớ đi chơi ảnh 1

Các chuyến đi của Tổ chức tình nguyện vì giáo dục V.E.O nhận được nhiều phản hồi tốt của những người tham gia

Thu hút khách nước ngoài

Du lịch thiện nguyện có thể được hiểu là việc tham gia vào các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng ngay chính tại nơi đi du lịch. Cái được của mỗi cá nhân khi tham gia vào hành trình này là cơ hội khám phá các vùng đất mới, được trải nghiệm phong tục, tập quán của người dân bản địa, lại được làm những việc có ý nghĩa.

“Một công đôi việc”, vậy nên thời gian gần đây, nhiều hành trình du lịch thiện nguyện do các tổ chức phi lợi nhuận tổ chức thu hút được lượng lớn người tham gia. Có thể kể đến là Humanitour do Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững (CSDS) khởi xướng, các hành trình của Volunteer for Education (V.E.O) - Tổ chức tình nguyện vì giáo dục hay Volunteer for Peace (VPV) - Câu lạc bộ tình nguyện vì hòa bình…

Một số công ty du lịch như Vietravel, Khát vọng Việt, Fiditour… cũng thiết kế và đưa các tour thiện nguyện vào trong hành trình của mình. 

Các hình thức tour khá đa dạng, từ ecotour - du lịch sinh thái cho các khách hàng thích hoạt động bảo vệ môi trường hay voluntour, charitour dành cho những người sẵn sàng tham gia vào hoạt động tình nguyện, giúp đỡ người dân bản xứ. Trong đó, du khách có thể lựa chọn các tour ứng với hoạt động trải nghiệm mà mình sẵn sàng tham gia, chẳng hạn như dạy tiếng Anh cho trẻ em các trường dân tộc, tham gia sửa chữa các lớp học, trồng cây xung quanh các ngôi trường, tặng quà cho những gia đình gặp khó khăn…

Xen lẫn vào đó là các chuyến cắm trại, khám phá hang động hay trekking (đi bộ)… cho các tình nguyện viên. Đây là loại hình du lịch đặc biệt phù hợp cho du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.

Rất nhiều du khách quốc tế đã ghi danh và có phản hồi tốt về những tour du lịch như vậy. Jomina Zapata (người Philippines) từng tham gia tour du lịch thiện nguyện ở Mai Châu, Hòa Bình của V.E.O cho hay: “Tôi vẫn nhớ nụ cười rạng rỡ của những em nhỏ ở đây khi tôi dạy học và chơi với chúng. Mặc dù không biết tiếng Việt, nhưng những người bạn đồng hành đã rất thân thiện và nhiệt tình trong việc kết nối tôi với lũ trẻ. Tôi thấy mình thu được rất nhiều từ những hành trình như thế này”. 

Hay,nhưng không dễ làm

Du lịch thiện nguyện không phải là lấy cớ đi chơi ảnh 2

Cần kết hợp hài hòa giữa các hoạt động khám phá với việc làm tình nguyện

Để triển khai một tour du lịch thiện nguyện, ngoài việc lên một lịch trình phù hợp - đảm bảo cân bằng giữa hai yếu tố du lịch và làm từ thiện thì đơn vị tổ chức phải quán xuyến rất nhiều việc, từ liên hệ, khảo sát điểm đến, tìm hiểu địa phương cần hỗ trợ, giúp đỡ những gì, đến việc xin giấy phép, thống kê những hạng mục có thể hỗ trợ cho địa phương.

Vậy nên, thường các công ty lữ hành hoặc các tổ chức tình nguyện có kinh nghiệm mới làm tốt được điều này. Anh Nguyễn Phước Bảo Hồng - điều hành nhóm Du lịch thiện nguyện cho hay, mặc dù tổ chức được nhiều hoạt động thiện nguyện đến các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, nhưng vì không thông qua các công ty lữ hành nên các hành trình du lịch của nhóm vẫn nghiêng về từ thiện hơn là tạo ra những trải nghiệm mang tính khám phá. 

Trái lại, trong nhiều hành trình, do chưa nhận thức được mục đích vì cộng đồng của chuyến đi, nên kết quả cũng không mấy thành công. Khi cắm trại trong rừng, ngủ nhờ nhà dân, hay trèo đèo lội suối để đến được với những bản làng xa xôi, hẻo lánh, thì nhiều du khách dù ban đầu rất háo hức đăng ký, sau cũng đầu hàng vì không thể chịu khó, chịu khổ. Bởi thế, nhiều người đóng tiền để đi, nhưng cuối cùng không làm được gì khác ngoài thăm thú, vãn cảnh … và lờ đi mục đích ban đầu là giúp đỡ cộng đồng.