Du lịch Halal trên địa bàn Hà Nội: Tiềm năng bị bỏ ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS), Trung tâm Chứng nhận Halal Việt Nam cùng nhiều đối tác trong và ngoài nước tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Sự kiện thu hút gần 150 đại biểu trong nước và quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Thủ đô hướng tới thị trường tiềm năng với hơn 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn cầu.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS.Trịnh Thị Thu Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: "Du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch tại nhiều quốc gia. Với hơn 1,9 tỷ người, khoảng 30% dân số toàn cầu theo đạo Hồi, dự báo đến năm 2030, du lịch Halal sẽ đóng góp gần 350 tỷ USD vào ngành du lịch thế giới".

TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: Nam Phương)
TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch

Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: Nam Phương)

Bà Thu Hà cũng chỉ ra rằng, mặc dù Hà Nội có nhiều tiềm năng văn hóa, lịch sử và ẩm thực phong phú, nhưng các sản phẩm và dịch vụ Halal của Thủ đô vẫn chưa phát triển đồng bộ, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút nhóm du khách Hồi giáo. Vì vậy, để khai thác tiềm năng này, việc định hướng phát triển du lịch Halal không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn phù hợp với xu hướng của thế giới.

PGS.TS. Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, đã đưa ra cái nhìn tổng quan về thị trường Halal toàn cầu với quy mô hơn 7.000 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến chạm mốc 10.000 tỷ USD vào năm 2028 (tốc độ tăng trưởng hàng năm 6-8%). Theo ông Hoàng, du lịch Halal tiềm năng ở chỗ "đi đông, ở lâu và tiêu dùng mạnh tay".

Thời gian gần đây, Việt Nam đang đón lượng khách Halal lớn đến từ Ấn Độ, Trung Đông, trong đó có nhiều dòng khách hạng sang, tỉ phú đến Việt Nam để nghỉ dưỡng. Điều này mở ra những cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc khai thác dòng khách có chi tiêu cao, góp phần tăng nguồn thu cho du lịch.

Mặc dù được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng và cơ hội khai thác lớn, song các chuyên gia nhận định, du lịch Halal Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế. PGS.TS. Đinh Công Hoàng phân tích, du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn thiếu các cơ sở hạ tầng có tính đặc thù dành cho khách du lịch Halal như: Thiếu cơ sở cầu nguyện, dịch vụ chưa đồng bộ từ ẩm thực cho đến các loại hình giải trí. Để đón dòng khách Halal một cách bài bản và chuyên nghiệp, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái Halal với đầy đủ các dịch vụ: ẩm thực, lưu trú thân thiện, dịch vụ giải trí đạt tiêu chuẩn Halal.

Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhằm phát triển sản phẩm dịch vụ theo chuẩn Halal.

Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhằm phát triển sản phẩm dịch vụ theo chuẩn Halal.

Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Kohdayar Marri nhận định tiềm năng Halal rất lớn, Hà Nội "có thể mở rộng hoạt động thương mại du lịch lên hàng trăm % chỉ bằng cách đáp ứng nhu cầu của những khách du lịch cụ thể".

Về yêu cầu cơ bản của người Hồi giáo khi tham gia vào hoạt động du lịch ở các nước, ông Ramlan Osman, Giám đốc HALCERT nêu 6 điểm nổi bật, đó là: Cung cấp thực phẩm đúng tiêu chuẩn Halal; có nơi cầu nguyện với cơ sở vật chất phù hợp đáp ứng nhu cầu cầu nguyện 5 lần 1 ngày của người Hồi giáo; có sự riêng tư trong hoạt động giải trí - tách riêng khu dành cho nam và khu cho nữ; cơ sở vật chất vệ sinh đầy đủ nước sạch, tiết kiệm, đảm bảo nhà vệ sinh, phòng tắm có nước tẩy rửa, vòi xịt đóng; có những khu du lịch phù hợp, thân thiện với gia đình, tránh có hoạt động, địa điểm không phù hợp với trẻ em.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – bà Đặng Hương Giang cho biết, dư địa để thu hút khách du lịch Halal đến Hà Nội còn rất lớn. Để tận dụng cơ hội này, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về đặc điểm dòng khách Hồi giáo.

Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ làm việc với các sân bay, cơ sở lưu trú để chuẩn bị khu vực riêng đón khách Halal, khu vực cầu nguyện; đồng thời chuẩn bị các dịch vụ ẩm thực Halal phù hợp. Hà Nội sẽ phối hợp với các Đại sứ quán, kết nối với các tổ chức quốc tế để tăng cường tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa với các nước theo đạo Hồi; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khách Hồi giáo.

Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đề xuất thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các đơn vị phục vụ khách Hồi giáo. “Hà Nội sẽ có các chiến lược trước mắt và dài hạn để sẵn sàng đón khách du lịch Hồi giáo đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”, bà Đặng Hương Giang cho biết.

Theo kế hoạch đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái du lịch Halal toàn diện, trong đó ưu tiên hình thành các “Halal Friendly Zones” – khu vực thân thiện với người Hồi giáo tại các quận trung tâm.

Cũng tại Hội thảo, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội chính thức công bố thành lập Trung tâm Đào tạo Halal (Halal Training Center). Trung tâm sẽ triển khai các khóa học cơ bản và nâng cao về Halal, đồng thời giới thiệu chương trình đào tạo theo quy chuẩn quốc gia TCVN14230:2024 về du lịch thân thiện với người Hồi giáo - lần đầu tiên được áp dụng tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.