Du lịch Hà Nội 2020 cần những bước đi bền vững

ANTD.VN -Chiều ngày 15-1, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2020. Hoạt động nhằm góp phần từng bước phát triển toàn diện du lịch Thủ đô về phạm vi, quy mô, chất lượng và đảm bảo tính bền vững vì mục tiêu xây dựng Hà Nội là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”.

Tham dự hội nghị có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban nghiệp vụ.

Tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững

Năm 2019, thành phố Hà Nội đón 28.945.000 lượt khách, tăng 10% so với năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 7.025.000 lượt, tăng 17% so với năm trước. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp là những quốc gia có lượng khách đến Hà Nội ở top đầu. Khách du lịch nội địa đạt 21.920.000 lượt khách, tăng 8% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 103.812 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2018.

Năm 2019 cũng là năm đánh dấu nhiều thành tích quốc tế của du lịch Hà Nội như: đứng thứ 15 trong top 25 điểm đến tốt nhất thế giới 2019 do độc giả bình chọn trên trang TripAdvisor, 1 trong những điểm du lịch rẻ nhất do trang web “Price of Travel” bình chọn, quảng bá trên kênh truyền hình CNN của Mỹ...

Bên cạnh những thành tích mà ngành du lịch Thủ đô đạt được trong năm 2019 vẫn còn những hạn chế như kết quả tăng trưởng đạt được chưa bền vững, đóng góp vào GDP của thành phố còn chưa tương xứng.

“Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác hướng dẫn du lịch tại điểm còn yếu. Sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những gì đã có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức và khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô”, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết.

Đồng thời, vai trò chủ động của các doanh nghiệp du lịch trong công tác phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm, liên kết; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch và khả năng tiếp cận các công nghệ mới hiện đại trong quản lý và hoạt động của doanh nghiệp còn hạn chế.

Quy mô của các doanh nghiệp du lịch đa số nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao và chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế.

Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tại chỗ và ngoài Hà Nội đến các thị trường khách các khu vực trên thế giới còn hạn chế. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng của Hà Nội với các địa phương trong nước và quốc tế mới được quan tâm thực hiện bước đầu hiệu quả chưa nhiều.

Cần bước đi vững chắc

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Hà Nội có nhiều tiềm năng về du lịch như du lịch di sản, ẩm thực…Tuy nhiên, ngành du lịch của thủ đô chưa khai thác hiệu quả lợi thế mà mình có được, nên vẫn còn thị trường bỏ ngỏ hoặc đầu tư không tới.

Ông Emmanuel Cerise chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch Hà Nội

Để ngành du lịch của thủ đô phát huy hiệu quả những tiềm năng, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm về sự cần thiết trong hoạt động kết nối, hợp tác giữa các điểm đến để phát triển du lịch.

Thứ nhất, du lịch Hà Nội có thể kết nối các điểm đến bằng cách bán vé chung cho cả tour, cùng phối hợp tổ chức tour để du khách biết đến những địa điểm du lịch khác hay thiết lập trang web chung để quảng bá cho cụm điểm du lịch.

Thứ hai, sáng kiến về giao thông vận tải. Dựa trên tuyến buýt hằng ngày để biên tập lại bản đồ đem đến cho du khách nhiều lựa chọn và đáp ứng nhu cầu tiếp cận của khách du lịch.

Thứ ba, Hà Nội có thể học tập các sáng kiến du lịch của Paris, như sự kiện “Những ngày di sản châu Âu” miễn phí vé, điều tiết giao thông, khuyến khích du khách sử dụng phương tiện công cộng.

Cầu Long Biên là điểm đến nổi tiếng của Hà Nội (Ảnh: CNN)

Theo đánh giá của ông Emmanuel Cerise, Hà Nội có những điểm tương đồng lớn với vùng Ile-de-France, trong đó cơ sở hạ tầng phát triển, nhiều điểm du lịch ngoại thành là những làng nghề, di tích lịch sử và có cả những điểm đến hiện đại. Việc kết nối các điểm du lịch chính là góp phần làm tăng thời gian lưu trú của khách du lịch, một hạn chế của du lịch Hà Nội hiện nay đang gặp phải.

“Du lịch Hà Nội hoàn toàn có thể kết nối các điểm đến này bằng tour du lịch chuyên đề mới với lộ trình mới, để du khách có thể hiểu được lịch sử Việt Nam như truyền thống làng nghề. Lịch sử xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều di tích tại Hà Nội”, ông Emmanuel Cerise nhấn mạnh.

Trong năm 2020, du lịch Hà Nội hướng tới đạt 31,88 triệu lượt khách, tăng 10,2% so với thực hiện năm 2019, trong đó gồm 8,21 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17% và 23,67 triệu lượt khách nội địa, tăng 8%. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt từ 65% đến 68%. Đặc biệt, công tác bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch khoảng 90.500 người làm trong ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về du lịch, tăng 10% so với số ước thực hiện năm 2019.