Du lịch có trách nhiệm hướng đến phát triển bền vững

ANTĐ - Phát triển du lịch ồ ạt đã tạo ra những thách thức đối với phát triển bền vững nói chung cũng như việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói riêng. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng tại hội thảo “Du lịch có trách nhiệm và Di sản văn hóa” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM được tổ chức chiều qua, 3-4. 

Du lịch có trách nhiệm hướng đến phát triển bền vững ảnh 1Nếu không có những cư dân như thế này, có lẽ Vịnh Hạ Long cũng ngập trong rác 

Chỗ quá tải, chỗ đìu hiu 

“Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, địa phương là một trong những vấn đề du lịch Việt Nam đối mặt” - bà Dương Bích Hạnh, Trưởng Ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Tính đến nay, Việt Nam có 8 di sản thế giới được công nhận, tuy nhiên hiệu quả du lịch đo đếm được lại khá chênh lệch. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2013 cho thấy, Di tích Cố đô Huế và Vịnh Hạ Long đón xấp xỉ 2 triệu khách, thu về hàng trăm tỷ đồng từ việc bán vé. Trong khi đó, số lượng khách du lịch đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ chỉ đạt vài chục nghìn, rõ ràng là còn khiêm tốn và chưa cân xứng với tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch ồ ạt, quá mức tại một số di sản lại làm nảy sinh vô vàn thách thức, trong đó biểu hiện rõ nhất là xâm hại môi trường, cảnh quan tại chính vùng di sản.

Không nói đâu xa, Vịnh Hạ Long không ít lần bị UNESCO “tuýt còi” bởi những bất cập trong quản lý, bảo vệ di sản, từ xả chất thải, tràn dầu… cho đến những dự án “san đồi, lấn biển”. Cũng là di sản thế giới, Phố cổ Hội An và quần thể khu di tích Mỹ Sơn lại đối mặt với những vấn đề do lượng khách du lịch tập trung quá đông tại vùng di sản. Các chuyên gia đã tính đến phương án đẩy mạnh phát triển dịch vụ “du lịch vệ tinh”, nhằm “kéo” bớt du khách ra khỏi khu di sản. Nếu không có những biện pháp kịp thời, sức ép cho các vùng di sản sẽ càng trở nên trầm trọng và tổn hại về giá trị văn hóa, môi trường là không thể tránh khỏi. 

Chia sẻ “nỗi khổ” này, theo Th.S Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ, nơi tổ chức nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, tình trạng quá tải cho di tích là hậu quả của du lịch lễ hội - vốn có tính mùa vụ rõ rệt. Ông cho biết, vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, trung bình mỗi ngày Phú Thọ đón khoảng gần 1 triệu lượt khách. Nếu rơi vào ngày cuối tuần, con số này có thể đạt đến 2 triệu lượt, có thể nói là quá tải, trong khi ý thức du khách đi hội vẫn còn rất kém, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn cũng như chính chất lượng dịch vụ tại đây.   

Góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia

Một vấn đề nóng được một đại biểu đặt ra trong buổi tọa đàm đó là, phải chăng Việt Nam  đang chạy đua để được công nhận di sản, trong khi chưa có đủ khả năng để bảo vệ và làm tốt công tác bảo tồn di sản? Đề cập vấn đề này, bà Dương Bích Hạnh cho biết, thực tế, tâm lý của các địa phương muốn di sản của mình được vươn ra tầm quốc tế là hết sức dễ hiểu. Bởi sau khi một di sản được công nhận không những mang lại tự hào với chính địa phương ấy mà còn trở thành “cú hích” cho ngành du lịch. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, UNESCO đã khuyến khích các quốc gia giảm số lượng hồ sơ đề cử, trong đó những quốc gia đã có nhiều di sản được công nhận như Việt Nam đương nhiên phải đưa ra ngoài danh sách ưu tiên. Tuy nhiên, cần phải biết rằng, được công nhận không có nghĩa là biến di sản thành khu du lịch, làm lợi về kinh tế. Đưa vào danh sách di sản thế giới là đảm bảo cho công tác bảo tồn di sản theo khuôn khổ quốc tế, nâng cao  nhận thức của mọi người trong công tác bảo tồn chính di sản ấy. Tuy nhiên, ý nghĩa của nâng tầm di sản sẽ không trọn vẹn nếu không có sự hợp tác của các doanh nghiệp du lịch. Trong khi nguồn kinh phí trùng tu, tu bổ để duy trì hoạt động di tích đang còn khan hiếm, thì nhiều doanh nghiệp chỉ lo làm lợi về kinh tế, mà không quan tâm hiện trạng di tích ra sao. “Đã có phàn nàn về phố cổ Hội An càng ngày càng nhiều rác, còn các doanh nghiệp lữ hành thì thi nhau trốn vé, cốt là đưa khách vào. Nếu cứ tư duy làm du lịch như vậy thì thật đáng lo” – bà Dương Bích Hạnh lo lắng bày tỏ.

“Du lịch có trách nhiệm sẽ là con đường đạt tới phát triển du lịch bền vững” – ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh. Nhưng để làm được điều đó, không chỉ cơ quan Nhà nước phải quan tâm đến việc tăng cường chính sách hỗ trợ cho nguồn lực bảo vệ văn hóa, môi trường, mà các cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa và các cơ quan xúc tiến, phát triển du lịch cũng phải hợp tác, đồng thuận mạnh mẽ. Đồng thời, du khách cũng cần nêu cao ý thức để “du lịch có trách nhiệm” như phản xạ có trong mỗi người, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia lâu dài và bền vững.