Du lịch biển an toàn: Cần chú ý những điều sau

ANTD.VN - Mùa hè là thời gian mà loại hình du lịch biển thu hút được nhiều du khách hơn cả. Tuy nhiên, làm thế nào để du lịch biển an toàn là điều chưa nhiều người chú ý đến.

Nắng, gió và sóng biển, không khí trong lành đem lại cho du khách sự sảng khoái cùng những kỷ niệm khó quên. Ngoài ra, nước biển có tác dụng rất tốt cho việc cải thiện mạch máu, giảm huyết áp, loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể; hỗ trợ và điều trị bệnh thấp khớp và chấn thương.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều rủi ro khác mà chúng ta có thể gặp phải khi đi biển. Mới đây nhất, vụ việc 2 em học sinh đuối nước khi ra chơi ở bãi biển xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, đã một lần nữa cho thấy những nguy cơ khi đi tắm biển. Dưới đây là một số lưu ý đảm bảo an toàn khi đi biển mà ai cũng cần biết:

Không bơi vào các dòng chảy xa bờ

Dòng chảy xa bờ là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi thẳng ra biển, khi đó dòng nước này sẽ hình thành dòng chảy xa bờ.

Có rất nhiều người khi đi biển thường chọn bơi vào vùng nước phẳng lặng mà không ngờ rằng đây chính là “cạm bẫy” dẫn đến nhiều vụ chết đuối thương tâm. Nhiều người chết đuối vì nhìn thấy dấu hiệu này nhưng không bỏ chạy.

Du lịch biển an toàn: Cần chú ý những điều sau ảnh 1

Cách nhận biết dòng chảy xa bờ

Dòng chảy xa bờ là nguyên nhân dẫn đến 80% các trường hợp đuối nước trên biển. Vận tốc trung bình của dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m/s cho đến 2,5 m/s, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic.

Tuy nhiên, do dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1-3 m, nhiều người bơi thành thạo có thể dễ dàng thoát ra bằng cách bơi vuông góc với dòng chảy và song song với bờ biển. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết tới thủ thuật trên, và thực tế nhiều người có thể bị vắt kiệt sức lực khi cố hết sức vùng vẫy bơi ngược dòng chảy.

Điều quan trọng khi bị rơi vào dòng chảy ra bờ là phải tuyệt đối giữ bình tĩnh. Nếu hoảng loạn, bạn sẽ không còn khả năng phán đoán chính xác.

Bên cạnh đó, bạn cần phải lưu ý không bơi ngược dòng nước. Nhiều trường hợp người bị nạn quá hoảng loạn và cố gắng bơi ngược dòng nước để vào bờ, do đó dẫn đến kiệt sức và đuối nước.

Bơi song song với bờ biển khi gặp dòng chảy xa bờ

Nếu là người bơi giỏi, thì thay vì cố bơi ngược dòng, bạn hãy tìm cách bơi song song với bờ biển, tức là vuông góc với dòng chảy bởi đó là cách giúp chúng ta hướng đến chỗ có sóng bạc đầu. Sau khi đã thoát khỏi dòng xoáy, hãy bơi chéo góc và hướng về phía bờ.

Nếu là người bơi yếu thì bạn hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, đồng thời giữ bình tĩnh và thả nổi để giữ sức. Ước lượng thấy dòng chảy xa bờ yếu đi thì bạn hãy cố gắng bơi song song với bờ biển để tới khu vực có sóng bạc đầu như đã đề cập ở phần trên.

Không nên để bụng đói hoặc no khi xuống nước

Khi đi tắm biển, bạn không nên để bụng quá đói hoặc quá no khi xuống nước. Tốt nhất nên ăn lót dạ một chút và mang theo bánh ngọt, trái cây, đồ hộp bởi sau khi bơi sẽ khiến bạn tiêu hao nhiều năng lượng.

Không nên tắm biển vào ngày sóng lớn

Không nên chọn du lịch biển hoặc tắm ở vùng biển thường có dòng nước ngược vì dòng nước này rất nguy hiểm cho người bơi. Bạn nên nghe ngóng thời tiết, tham khảo trước những thông tin về bãi biển. Đặc biệt không nên tắm vào ngày sóng lớn, ngày mưa bão hay khi nhiệt độ dưới 18 độ C. Khi thấy bờ biển yên lặng bất tường, nước rút ra xa và xuất hiện nhiều đàn chim bay dáo dác, bạn hãy ngay lập tức lên bờ, tìm chỗ cao hay đồi núi.

Khởi động trước khi xuống biển

Du lịch biển an toàn: Cần chú ý những điều sau ảnh 3

Khởi động trước khi xuống biển là một bước vô cùng quan trọng

Môi trường trên cạn và môi trường dưới nước khác nhau, chính vì vậy bạn cần phải có thời gian thích nghi. Trước khi xuống biển, cần khởi động chân tay, làm một vài động tác thể dục hoặc chạy bộ một quãng để tránh chuột rút trước khi ngâm mình vào dòng nước. Tuy nhiên bạn cũng không nên vận động quá sức và cần xuống nước một cách từ từ, đừng vội lao mình xuống nước.

Trường hợp cần lên bờ ngay

Cơ thể ngứa ngáy, cảm thấy lạnh, mệt mỏi khác thường, nhức trán hoặc sau gáy, bị chuột rút, rối loạn thị giác, có dấu hiệu bị trướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối, bạn ngay lập tức phải tìm cách lên bờ.

Một số trường hợp không được tắm biển

Một số người bị viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, bệnh tim mạch, viêm thận, viêm tai giữa mạn tính có thủng màng nhĩ, người thần kinh dễ bị kích thích, người thường xuyên sợ lạnh thì không nên tắm biển.