Dụ dỗ, xúi giục người chưa thành niên thực hiện hành vi trộm cắp

ANTD.VN - Cháu Hoàng Anh T (SN 2006) bị chủ một cửa hàng điện thoại bắt được khi đang trộm cắp chiếc điện thoại trị giá khoảng 5 triệu đồng. Sau đó chủ cửa hàng đã giao cháu T cho cơ quan công an. Tại cơ quan công an, cháu T cho biết, có một người anh cùng chơi điện tử với cháu tên là Đỗ Văn Q (SN 1997) nói rằng, chỉ cần T đi trộm cho anh ta một chiếc điện thoại thì sẽ cho cháu một nhân vật trong game mà cháu thích.Vấn đề đặt ra là, với việc xúi giục cháu Hoàng Anh T đi trộm cắp, Đỗ Văn Q có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Ý kiến bạn đọc

Đồng phạm tội trộm cắp

Căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy cháu Hoàng Anh T đã trộm cắp chiếc điện thoại của cửa hàng có giá trị 5 triệu đồng. Như vậy cháu T đã phạm tội Trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc cháu T trộm cắp tài sản là do Đỗ Văn Q xúi giục với lời hứa là sẽ cho nhân vật ở trong game mà cháu thích. Theo quy định của pháp luật, những người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm. Vì vậy, với hành vi xúi giục cháu T trộm cắp tài sản, theo tôi, Đỗ Văn Q cũng là đồng phạm về tội Trộm cắp tài sản.

Ngô Hoàng Tuấn (Đông Hưng - Thái Bình)

Dụ dỗ người khác phạm tội

Tôi cho rằng trong vụ việc này rõ ràng Đỗ Văn Q đã có hành vi xúi giục, dụ dỗ cháu Hoàng Anh T trộm cắp chiếc điện thoại trị giá 5 triệu đồng của cửa hàng. Đây là một hành vi mang tính cố ý của Q đối với cháu T vì Q hứa khi nào cháu T trộm cắp chiếc điện thoại cho mình thì sẽ cho cháu một nhân vật trong game mà cháu yêu thích. Viêc làm của Q theo tôi đã vi phạm các quy định của pháp luật, đó là tội Dụ dỗ, ép buộc người khác phạm tội. Với hành vi vi phạm pháp luật của mình và đặc biệt là việc cháu T còn đang ở trong độ tuổi vị thành niên, theo tôi Đỗ Văn Q cần phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Anh Thư (Đống Đa - Hà Nội)

Không phạm tội

Tôi cho rằng trong vụ việc này người phạm tội chỉ có mình cháu Hoàng Anh T, còn Đỗ Văn Q không phạm tội gì và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc Q hứa cho cháu T một nhân vật trong game mà cháu yêu thích nếu lấy cho Q chiếc điện thoại, theo tôi đây chỉ là lời nói đùa và không có bằng chứng cụ thể, rõ ràng. Q cũng không bàn bạc, hướng dẫn, bày mưu cho cháu T cách ăn trộm chiếc điện thoại như thế nào, vì vậy không thể nói Q là đồng phạm với T. Theo tôi, Q cũng không phải dụ dỗ cháu T phạm tội vì việc dụ dỗ, lôi kéo người khác phải được truyền bá bằng cả quá trình lâu dài để người khác làm theo ý của mình chứ không thể chỉ bằng vài câu nói là dụ dỗ ngay được, nhất là trong câu chuyện vi phạm pháp luật. Theo tôi, việc cháu T phạm tội là do cháu đã có ý đồ từ trước chứ không phải chỉ vì một lời nói của Q. Vì vậy, tôi cho rằng trong vụ việc này Đỗ Văn Q không phạm tội.

Nguyễn Việt Hùng (Bỉm Sơn - Thanh Hoá)

Bình luận của luật sư

Trước hết có thể khẳng định, hành vi của Hoàng Anh T đã phạm tội Trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1, Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

Tuy nhiên khi phạm tội, T vẫn là người chưa thành niên nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt sẽ áp dụng theo những quy định về người phạm tội chưa thành niên của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, theo Điều 12 Bộ luật Hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này. 

 Như vậy, hành vi trộm cắp chiếc điện thoại trị giá 5 triệu đồng của cháu T, theo khoản 1, Điều 173 Bộ luật Hình sự thì thuộc khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Theo điểm a, khoản 1, Điều 9 Bộ luật Hình sự quy định về tội phạm ít nghiêm trọng (tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm), thì hành vi của T là tội phạm ít nghiêm trọng. Ngoài ra T lại là người chưa thành niên phạm tội, vì vậy trong vụ việc này T không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp của Đỗ Văn Q. Theo nội dung vụ việc, T thực hiện hành vi lấy trộm điện thoại là do Q xúi giục. Khoản 3, Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về người xúi giục như sau: Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Theo đó, đặc điểm của người xúi giục là tác động đến tư tưởng và ý chí của người khác, khiến người này phạm tội. Người xúi giục có thể là người đã nghĩ ra việc phạm tội và đã thúc đẩy cho tội phạm có được thực hiện thông qua người khác. Do vậy, có thể gọi người xúi giục là tác giả tinh thần của tội phạm.

Nhưng người xúi giục cũng có thể chỉ có tác động thúc đẩy người khác thực hiện ý định phạm tội đã có. Người xúi giục cũng có thể cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm, nhưng cũng có thể không. Sự xúi giục có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như kích động, lôi kéo, cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh. Hành vi xúi giục phải trực tiếp, nghĩa là kẻ xúi giục phải nhằm vào một hoặc một số người nhất định. Việc kêu gọi, hô hào mà không hướng tới những người xác định thì không phải là hành vi xúi giục. Hành vi xúi giục phải cụ thể, nghĩa là phải nhằm gây ra việc thực hiện tội phạm nhất định. Về mặt chủ quan, cần xác định người xúi giục cần có ý định rõ ràng thúc đẩy người phạm tội. 

Do đóng vai trò là người xúi giục nên Q cũng là đồng phạm với T về tội Trộm cắp tài sản. Mặc dù vậy, như đã phân tích ở trên, do T không bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản nên Q cũng không bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Q sẽ bị truy tố về tội Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp theo Điều 325 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo quy định của pháp luật, dụ dỗ người người chưa thành niên phạm pháp là hành vi rủ rê, xúi giục, lôi kéo, thúc đẩy bằng các hình thức khác nhau (như cho ăn, uống, hút thuốc phiện, cho vay, bán chịu, kích thích sự ham muốn vật chất… để buộc họ phải tìm cách trả nợ bằng việc trộm cắp, gây rối…) để từng bước đưa người chưa thành niên tham gia vào hoạt động phạm tội. Do Q đã dụ dỗ T bằng việc hứa sẽ cho cháu nhân vật game mà cháu thích để khiến cho T thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, theo chúng tôi, Đỗ Văn Q sẽ bị truy tố về tội Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp theo Điều 325 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng Văn phòng luật sư Hùng Mạnh