Quy hoạch điện VII:

Đủ điện nhưng giá sẽ tăng

ANTĐ - Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg với mục tiêu cao nhất là đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn mới. 
 

Chiều 3-8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã trao đổi về vấn đề rất được dư luận quan tâm này.

- Nhiều năm nay, nói đến thiếu điện, Bộ Công Thương cho rằng do thiếu nước. Trong quy hoạch điện VII sắp tới, nhiệt điện 64% cơ cấu nguồn điện, vậy tình trạng thiếu điện có còn xảy ra?

- Hiện nay, trong cơ cấu nguồn điện, thủy điện chiếm khoảng 35% nên mùa khô ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong tương lai, khi nhiệt điện nhiều hơn, thủy điện còn hơn 23% thì ảnh hưởng do thiếu nước sẽ ít hơn.

- Quy hoạch điện VII đặt vấn đề sẽ huy động vốn cho các dự án điện bằng trái phiếu nhưng trái phiếu lại không thu hút được các nhà đầu tư. Hiện các nhà đầu tư vào điện cũng đang lỗ. Bộ Công Thương có phương án gì để huy động được gần 5 tỷ USD/năm?

- Giá điện được điều chỉnh nhưng thấp hơn mức giá ngành điện có thể vận hành có lãi. Năm 2010 là khó khăn, EVN lỗ 8.185 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay vẫn lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, EVN vẫn nợ TKV và PVN gần 10.000 tỷ đồng, khiến các đơn vị sản xuất, kinh doanh điện năng khó khăn. Theo quy hoạch điện VII cần gần 5 tỷ USD/năm trong 10 năm đầu; 10 năm sau cần 7,5 tỷ USD/năm. Có nhiều giải pháp nhưng quan trọng nhất là giá điện phải đủ để bù đắp chi phí đầu tư và có lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư. Chính sách điều chỉnh giá điện trong tổng sơ đồ VII đã nêu, đến năm 2020, giá điện tại Việt Nam sẽ là 8-9 cent/kWh nhưng điều chỉnh thế nào Chính phủ sẽ cân nhắc để vừa giải quyết khó khăn tài chính cho ngành điện, vừa đảm bảo kinh tế vĩ mô nói chung. Đến một giai đoạn nào đó, ngành điện có cơ chế giá điện linh hoạt để khuyến khích nhà đầu tư vào ngành điện và có lợi nhuận hợp lý.

- Công tác giải phóng mặt bằng trong các dự án điện rất khó khăn dẫn đến chậm tiến độ nhiều dự án. Bộ Công Thương sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Đây là vấn đề khó khăn không chỉ đối với ngành điện mà với tất cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhằm tháo gỡ khó khăn này, Thủ tướng đã giao cho địa phương phải dành quỹ đất cho các dự án trong quy hoạch điện VII. Hy vọng thời gian tới, những khó khăn này sẽ được khắc phục.

Tình trạng thiếu điện do thiếu nước sẽ được khắc phục

- Quy hoạch VI chậm tiến độ rất nhiều, quy hoạch điện VII sẽ kế thừa bao nhiêu dự án còn lại của quy hoạch điện VI?

- Khi nhìn lại tổng sơ đồ VI thì dự án nguồn điện thực hiện được trên 70%, lưới điện được trên 60%, còn lại chuyển tiếp sang tổng sơ đồ VII. Các dự án này có tiến độ cụ thể, nhưng đó là tiến độ kế hoạch và ngành điện sẽ cố gắng đưa các dự án vào đúng mục tiêu kế hoạch.

- Ngành điện luôn khuyến khích đầu tư tư nhân vào thủy điện, quy hoạch điện VII có khuyến khích? Dường như có sự phân biệt thủy điện nhỏ tư nhân và thủy điện của EVN?

- Chủ trương là vẫn khuyến khích đầu tư tư nhân vào các dự án nguồn điện. Trong tổng sơ đồ VI, nhiều nhà đầu tư trong nước đã đầu tư thủy điện nhỏ. Họ thích đầu tư vì cơ chế chính sách giá, các nhà đầu tư kỳ vọng thu lợi nhuận cao. Vốn đầu tư dự án thủy điện nhỏ không lớn, khoảng chục triệu USD/dự án trở lại, phù hợp với việc huy động vốn của tư nhân. Nhưng qua triển khai quy hoạch VI nổi lên một số vấn đề là hiệu quả của dự án. Thủy điện nhỏ điện năng cung cấp cho hệ thống không nhiều nhưng đầu tư lưới và truyền tải đòi hỏi suất đầu tư cao. Bên cạnh đó, một số nhà máy thủy điện nhỏ gây ngập lụt, ảnh hưởng đến môi trường. Quy hoạch VII sẽ rà soát lại để vừa khai thác tiềm năng thủy điện nhưng làm sao đầu tư phải có hiệu quả, không gây ảnh hưởng môi trường lớn.