Dư địa nào cho chính sách tài khóa để mở rộng các gói hỗ trợ nền kinh tế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TS Cấn Văn Lực cho rằng các gói hỗ trợ nền kinh tế bằng chính sách tài khóa ở nước ta thời gian qua còn hạn chế, trong khi dư địa mở rộng vẫn còn.

Gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn

Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, từ đầu năm 2020 đến nay các nước trên thế giới đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ để phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của Covid -19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.

Về quy mô, theo IMF, tính đến hết tháng 10/2021, các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ toàn cầu đã lên tới 18.272 tỷ USD, tương đương 16,4% GDP toàn cầu năm 2020. Trong đó khoảng 11.281 tỷ USD (10,2% GDP, chiếm 61,7% tổng các gói hỗ trợ) là các gói hỗ trợ tài khóa; còn lại 6.991 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 38,3%) là các giải pháp tiền tệ.

Như vậy, cơ cấu các gói hỗ trợ trên thế giới là gói hỗ trợ tài khóa lớn hơn nhiều so với các gói hỗ trợ tiền tệ; và tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất; ít tập trung vào giãn hoãn thuế, nghĩa vụ trả nợ...

Các nước chấp nhận thâm hụt ngân sách, nợ công tăng trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch bệnh sau đó giảm dần khi nền kinh tế phục hồi bền vững hơn.

TS Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực

Tại Việt Nam, giá trị thực chi của các gói hỗ trợ tài khóa năm 2020 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương 1,26% GDP, đạt gần 61% kế hoạch ban đầu. Từ đầu năm đến nay, các gói hỗ trợ tài khóa (gồm cả ASXH) có tổng trị giá khoảng 130.570 tỷ đồng, tương đương 1,64% GDP năm 2020 (đã điều chỉnh).

Như vậy, theo tính toán, từ đầu năm 2020 đến nay, tổng các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đạt khoảng 231 nghìn tỷ đồng (gần 3% GDP năm 2020 đã điều chỉnh).

Đánh giá cao sự kết hợp của chính sách tài khóa và tiền tệ bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, kịp thời ổn định đời sống và hỗ trợ phục hồi kinh tế; thể hiện nỗ lực rất lớn, sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc triển khai hỗ trợ tài khóa còn một số hạn chế, thách thức.

Trong đó, các gói hỗ trợ tài khóa được cho là chưa đủ lớn và rộng; việc thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm (nhất là gói cho vay hỗ trợ trả lương…); tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp...

Thứ hai, sự phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có nhiều tiến bộ nhưng còn dư địa cải thiện: việc tồn dư nguồn vốn đầu tư công lớn do tiến độ giải ngân đầu tư công chậm, gây lãng phí phần nào do phải trả lãi suất trái phiếu Chính phủ; dòng luân chuyển và liều lượng luân chuyển vốn giữa Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự linh hoạt…

Dư địa mở rộng ra sao?

Về dư địa các chính sách hỗ trợ, theo TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia, dư địa mở rộng chính sách tài khóa còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ nhờ. Lý do được đưa ra bao gồm: Thâm hụt NSNN và nợ công được kiểm soát tốt hơn giai đoạn trước, hiện vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực trong khi cơ hội tăng vay nợ trong nước (qua phát hành TPCP) với lãi suất thấp, rủi ro thấp, tạo dư địa gia tăng chi tiêu ngân sách cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế;

Trong khi đó, quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn (như nêu trên); Các cân đối lớn (thâm hụt NS/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn; Việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và cơ cấu lại nợ công là những kinh nghiệm quý báu, tạo không gian chính sách, tạo nguồn tích lũy ngân sách để duy trì xu hướng mở rộng trong giai đoạn 2022-2023.

Chuyên gia cho rằng dư địa các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế vẫn còn

Chuyên gia cho rằng dư địa các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế vẫn còn

Ngược lại, dư địa chính sách tiền tệ, theo vị chuyên gia đánh giá là không còn nhiều trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống TCTD: Lãi suất đã ở mức thấp trong vòng 20 năm; áp lực lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn; nợ xấu gia tăng (dự báo nợ xấu nội bảng khoảng trên 2% cuối năm 2021 và 2,3-2,5% năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1-7,7%).

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng ngành ngân hàng có thể mở rộng có chọn lọc tín dụng, tăng khoảng 12-13% năm 2021 và 13-14% năm 2022-2023 (bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất); tiếp tục tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm chênh lệch lãi suất để tiếp tục giảm thêm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như đã cam kết, đồng thuận.

Từ những phân tích nêu trên, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị.

Trong đó, theo vị chuyên gia, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong việc thiết kế và triển khai chính sách, gói hỗ trợ tài khóa. Trong đó, cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN trong tầm kiểm soát; Tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, giảm phí/chi phí, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất hơn là giãn hoãn thuế, nghĩa vụ trả nợ; Triển khai nhanh, gọn, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng mạnh CNTT và dùng các kênh chuyển tiền khác nhau...

Đồng thời, cần nghiên cứu triển khai hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ khác như là một cấu phần quan trọng trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, chú trọng hiệu quả, kịp thời ở khâu thực thi. Cụ thể, xem xét một số chính sách như: Giảm thuế GTGT (khoảng 1-2%); Thúc đẩy bảo lãnh vay DNNVV qua các quỹ bảo lãnh vay vốn DNNVV tại các địa phương (phối hợp tốt hơn với Quỹ phát triển DNNVV và NHTM);

Về gói tín dụng hỗ trợ lãi suất (thấp hơn khoảng 2-3% so với lãi suất thị trường), vị chuyên gia kiến nghị điều kiện tiếp cận là các đối tượng đủ điều kiện tín dụng hoặc các đối tượng không đủ điều kiện tín dụng nhưng có khả năng phục hồi (cần lưu ý đây không phải là hạ mức chuẩn tín dụng) hoặc lĩnh vực ưu tiên phát triển thời gian tới...

Tổng các gói hỗ trợ này, theo ước tính khoảng 400.000 tỷ đồng, ước thực chi khoảng 240.000 tỷ đồng (3% GDP); chưa kể phần hỗ trợ an sinh xã hội, phần tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư của SCIC (như Bộ KHĐT đang đề xuất) do bản chất các khoản đầu tư này là khác...

Về huy động nguồn lực, theo nhóm chuyên gia, có thể tính đến các nguồn lực quan trọng như: Tiết giảm chi phí; Đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN; Phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước; Rà soát các quỹ ngoài ngân sách, các quỹ tại địa phương; Vay các tổ chức tài chính quốc tế (ADB, WB…), nếu cần.

Cuối cùng, một nguồn lực rất quan trọng khác là đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư vẫn còn, trong đó Việt Nam vẫn là một ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài...

Theo đánh giá các chuyên gia, Việt Nam còn nhiều dư địa ở khâu này và đây là thời cơ thuận lợi để đẩy nhanh, thực chất việc này.