Đủ chiêu lách luật cho lao động nghỉ việc để giảm chi phí

ANTD.VN - Để giảm gánh nặng về lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), phụ cấp thâm niên… một số doanh nghiệp tìm mọi cách lách luật khiến người lao động phải nghỉ việc.

Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2018 với mức tăng 6,5%. Theo tính toán, hiện nay, tổng mức chi phí của doanh nghiệp và người lao động cho các loại quỹ khoảng 35%, trong đó doanh nghiệp là 23,5% và người lao động 11,5%. Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, việc thực hiện tốt quy định về tiền lương, BHXH là một điều không dễ dàng. Để đối phó với những thay đổi của chính sách tiền lương và BHXH nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch cắt giảm nhân sự.

Đủ chiêu lách luật cho lao động nghỉ việc để giảm chi phí ảnh 1Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách cho lao động nghỉ việc để giảm chi phí

Cố tình trì hoãn tăng lương 

Về mặt lý thuyết, những thay đổi về chính sách tiền lương, BHXH nhằm bù đắp sự trượt giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng năng suất lao động và bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động, cho nên doanh nghiệp không thể trốn tránh việc này mà phải coi đó là động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. 

Bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt, sớm có kế hoạch điều chỉnh lương cho người lao động thì vẫn có không ít doanh nghiệp cố tình trì hoãn tăng lương hoặc có tăng nhưng cắt giảm phụ cấp hay quy vào các khoản thưởng để “né” BHXH. Khi được hỏi về tình hình thực hiện các quy định thay đổi về lương và BHXH, không ít doanh nghiệp né tránh không trả lời bằng những lý do như chưa có báo cáo, vẫn đang xây dựng thang bảng lương mới.

Ông Phạm Văn Hùng, lái xe một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Công ty tôi đã ngừng đóng các loại bảo hiểm cho người lao động, thỏa thuận “tự nguyện” chấm dứt hợp đồng lao động cũ, sau đó ký hợp đồng lao động mới, trong đó ghi rõ mức lương đã bao gồm BHXH, BHYT. Nếu muốn có bảo hiểm “kênh” Nhà nước, các lái xe phải tự mua 100%. Hãng chỉ hỗ trợ bằng cách phối hợp với một công ty bảo hiểm giới thiệu gói bảo hiểm nhân thọ, để người nào không mua “kênh” Nhà nước vẫn có hình thức thay thế.”

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thơm, công nhân một công ty dệt may ở Bắc Ninh lo lắng: “Tôi đã ký với công ty hợp đồng lao động xác định thời hạn 1 năm. Tôi đang chờ xem có nằm trong danh sách được tái ký hợp đồng lao động thêm 1 năm hay bị cho thôi việc để tránh tăng lương, trả thưởng”.

Tạm dừng để doanh nghiệp lấy sức?

Mới đây, tại một hội thảo về tác động của những chính sách mới trong lĩnh vực tiền lương, BHXH, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương tối thiểu liên tục làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa. Doanh nghiệp không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, dẫn đến người lao động không có việc làm. Do đó, có ý kiến đề xuất nên tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng một vài năm để doanh nghiệp lấy sức.

Theo các chuyên gia lao động, thực tế, việc tăng lương tối thiểu vùng, tăng mức đóng BHXH khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phải nghỉ việc khi hợp đồng hết hạn hay doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là lẽ thường tình và được pháp luật cho phép. Song điều khiến người lao động bức xúc là nhiều doanh nghiệp vẫn tái tuyển dụng lao động cũ nhưng chỉ cho hưởng mức lương khởi điểm. 

Theo ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), có tình trạng một số đơn vị sử dụng lao động chưa hiểu đúng về mức phụ cấp được dùng làm căn cứ để đóng BHXH khi cho rằng cách tính từ ngày 1-1-2018 sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Trên thực tế, chỉ những khoản phụ cấp, bổ sung cố định ghi trong hợp đồng lao động mới phải tính đóng BHXH, cho nên số tiền trích nộp BHXH về cơ bản chỉ tăng theo lương tối thiểu vùng năm 2018.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất để Chính phủ ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-6-2017 về việc giảm 0,5 % tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và tạo thêm việc làm. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát các chính sách để có thể giảm chi phí cho các doanh nghiệp.