Dư chấn của Mùa xuân Ả Rập

ANTĐ - Nếu chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011 sụp đổ qua gần 3 tuần lễ biểu tình chống đối của quần chúng thì cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Morsi diễn ra chỉ trong 4 ngày. Quân đội đã tuyên bố bãi chức Tổng thống Morsi, nhà lãnh đạo dân bầu tự do đầu tiên của Ai Cập vì không “đáp ứng được các yêu sách của người dân”. 

Kết cục, Tổng thống Morsi không thể tại vị quá 1 năm để rồi chính quân đội đưa đến cho ông cơ hội trở thành tổng thống cũng đã quay lưng lại và hạ ông xuống khỏi chiếc ghế này. Tổng thống Mohamed Morsi đã bị lật đổ, đánh dấu sự thất bại của cuộc Cách mạng Hoa Nhài bùng nổ cách đây 2 năm. Đây là sự kiện được dư luận quốc tế quan tâm nhất trong tuần qua.

Vì đâu nên nỗi?

Sự thất vọng đã lan rộng trong những người tự do, và cả những người ủng hộ chế độ cũ. Trong các đợt bầu cử đầu tiên, rất nhiều cử tri nghĩ rằng nếu họ là người Hồi giáo, họ nên bỏ phiếu cho phong trào AEHG. Nhưng rồi người Ai Cập đã buộc tội Morsi và AEHG đã tìm cách kiểm soát các thể chế nhà nước và áp đặt quan điểm của đạo Hồi lên dân chúng. Rất nhiều người biểu tình đã cáo buộc chính quyền của ông Morsi chỉ làm lợi cho Anh em Hồi giáo, chứ không vì phụng sự đất nước.

Hai năm sau khi Ai Cập lật đổ nhà cầm quyền Mubarak, người dân nước này cảm thấy phẫn nộ khi họ nhận ra rằng nền kinh tế trượt dốc, và không có cải thiện nào về các vấn đề xã hội kể từ khi Mubarak từ chức. Các nhà đầu tư căng thẳng, lạm phát tràn lan,  lãi suất vay tăng vọt đến mức chưa từng thấy. Thị trường chứng khoán tụt giảm thê thảm. Đồng livre Ai Cập mất giá đến 12% tính từ tháng 12 năm ngoái đến nay. Khả năng thanh khoản trong mậu dịch cũng không còn do nhiều nhà đầu tư rút lui hay hụt lượng khách du lịch. Tỷ lệ thất nghiệp không thuyên giảm, giá cả thực phẩm mỗi lúc lại tăng. Điện thường xuyên bị cắt và các đường ống dẫn nhiên liệu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh khi nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã xảy ra, tình trạng tội phạm vẫn không có gì thay đổi. Tổng thống Morsi bị cáo buộc là đã chuyên quyền, áp đặt nghị trình bảo thủ thông qua các sắc lệnh và một đa số hẹp hòi. Ông đã đối đầu lại với hệ thống tòa án, truyền thông, cảnh sát và thậm chí cả nghệ sĩ của Ai Cập. 

Tương lai mờ mịt

Người dân Ai Cập đã hy vọng Mùa xuân Ả Rập sẽ đem lại cho họ nhiều điều tốt đẹp hơn, nhưng giờ đây chính họ đạp đổ chính tượng đài mà mình đã vội vàng xây trong một năm về trước. 

Giờ đây, với danh nghĩa phục vụ “ý nguyện của người dân”, quân đội Ai Cập đã khôi phục vị thế của quân đội trong chính trường Ai Cập. Thế nhưng, Ai Cập tiếp tục lún sâu vào bất ổn chính trị và chia rẽ dù quân đội Ai Cập cho biết lực lượng này sẽ không thực hiện “các biện pháp tùy tiện chống lại bất kỳ phe cánh hay phong trào chính trị nào” và sẽ đảm bảo quyền biểu tình, chừng nào biểu tình không đe dọa đến an ninh quốc gia. 

Khi ông Mubarak bị phế truất năm 2011, quân đội nước này đã tiếp quản vai trò lãnh đạo của đất nước và duy trì quyền lực trong 18 tháng cho đến khi cuộc bầu cử bầu ông Morsi. Còn lần này sẽ mất bao lâu để lực lượng quân đội Ai Cập đưa Ai Cập thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay? Loại bỏ ông Morsi không đảm bảo rằng các cuộc biểu tình ở Ai Cập sẽ dừng lại và quá trình chuyển giao quyền lực sẽ êm thấm. Sự hiện hữu của nhiều phe phái chính trị đối nghịch khiến người ta lo ngại sẽ có những cuộc xung đột đổ máu, nhất là khi Tổ chức Anh Em Hồi giáo, điểm xuất phát chính trị của Tổng thống Morsi, là tổ chức Hồi giáo lớn nhất và lâu đời nhất ở Ai Cập đến giờ đây vẫn là tổ chức chính trị mạnh nhất ở nước này đã cùng những đảng Hồi giáo khác nguyện sẽ tranh đấu bảo vệ thể chế dân chủ. Mối liên hệ mật thiết với các lực lượng Hồi giáo có thế lực trên toàn thế giới sẽ giúp họ lấy lại thế cân bằng trong cuộc chơi với quân đội Ai Cập. 

Không dám chắc trong tương lai, Ai Cập sẽ không còn những cuộc biểu tình hàng triệu người, đòi lật đổ ngay lập tức một chế độ mà họ dựng lên. Bất chấp lời kêu gọi người dân Ai Cập tránh sử dụng vũ lực, đảm bảo hòa bình của giới chức quân đội, cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi đã khiến gần 30 người bị thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Những cuộc đụng độ giữa người ủng hộ ông Morsi với cảnh sát và người dân vẫn diễn ra. Quân đội, súng ống, xe bọc thép vẫn hiện diện khắp nơi trên đường phố Cairo.

Cuộc lật đổ Tổng thống lần thứ hai trong vòng hai năm qua cho thấy đất nước Bắc Phi này vẫn chưa hoàn toàn ổn định sau các cơn dư chấn của “Mùa xuân Ả Rập”. Thời gian quân đội nắm quyền điều hành đất nước Ai Cập hiện rất khó xác định, dù trước sức ép từ cộng đồng quốc tế và sự đặc biệt chú ý của thế giới hiện nay, quân đội Ai Cập sẽ sớm phải dàn xếp và tổ chức bầu cử sớm để chuyển giao quyền lực, ổn định đất nước. Tuy vậy, nhiều nhà quan sát  chính trị  lo ngại rằng điều này sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và một chính trường đầy bất ổn, gây tổn thất đến nền kinh tế quốc gia của một nước phụ thuộc quá nhiều vào ngành du lịch và đầu tư quốc tế.

Phản ứng về những diễn biến tại Ai Cập thời gian qua, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã kêu gọi đối thoại giữa các phe phái chính trị để nhanh chóng ổn định tình hình. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng kêu gọi “quân đội Ai Cập có trách nhiệm nhanh chóng trao trả toàn bộ quyền lực cho một chính phủ dân sự càng sớm càng tốt thông qua một quá trình bầu cử dân chủ toàn diện, minh bạch” và ra lệnh xem xét lại khoản viện trợ 1,5 tỷ USD mỗi năm cho Ai Cập. Trên thực tế Mỹ có thể cắt viện trợ khi một Chính phủ dân cử bị lật đổ bởi cuộc đảo chính quân sự. Còn Anh và Đức tuy gọi cuộc lật đổ này là “bước thụt lùi của nền dân chủ” nhưng khẳng định sẵn sàng hợp tác với chính phủ lâm thời của Ai Cập. Liên minh châu Âu, nhà tài trợ dân sự lớn nhất cho Cairo đã kêu gọi quân đội Ai Cập trả lại quyền lãnh đạo cho chính phủ dân sự và hạn chế việc sử dụng vũ lực.

Giới chức Israel, vốn thường phản ứng nhanh về các diễn biến trong khu vực, vẫn giữ thái độ im lặng trước diễn biến trên, trong khi các nước vùng Vịnh đã bày tỏ quan điểm ủng hộ và hoan nghênh hành động này của quân đội Ai Cập. Một số nước Arab, đặc biệt là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, vốn coi sự trỗi dậy và nắm quyền của đảng Huynh đệ Hồi giáo là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, cũng chào đón sự ra đi của ông Morsi.