Dù cấp nào cũng không có "vùng cấm"

ANTD.VN - Trong tuần qua, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật trong công tác cán bộ đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. 

Ban Bí thư đã thống nhất thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong giai đoạn 2011-2016; thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong giai đoạn 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, việc cách chức khi không còn chức vụ thì đây là trường hợp đầu tiên, chưa có tiền lệ. Hiện Ban Bí thư đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu quy trình kỷ luật.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, cách chức với người không còn chức vụ nên việc xử lý là rất khó. Tuy nhiên, việc làm này cũng có tính chất răn đe để những người khác thấy rằng, dù đã nghỉ hưu nhưng khi phát hiện sai phạm cần xử lý thì vẫn phải xử lý. Cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng thì hồ sơ về Đảng sẽ không còn chức vụ của giai đoạn đó nữa. 

Trước đó, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thì ông Vũ Huy Hoàng bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Ban Bí thư đã nâng mức kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Vũ Huy Hoàng. Còn Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 bị cảnh cáo thay vì đề nghị khiển trách. Có thể nói, hình thức xử lý như vậy thể hiện sự quyết liệt, nghiêm khắc đối với vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống tham nhũng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã làm rất quyết liệt, làm rõ được nhiều vụ án nghiêm trọng mà tưởng chừng mọi việc đã qua, cử tri cũng lo là đã “chìm xuồng” rồi. Vậy nhưng, tất cả đều được làm rõ. 

Lâu nay, đảng viên và nhân dân có những lúc vẫn chưa thực sự tin tưởng vào việc xử lý sai phạm đối với các cán bộ cấp cao vì cho rằng, trong nhiều trường hợp các quyết định xử lý chỉ là “giơ cao, đánh khẽ” hay “bắn chỉ thiên”. Chính vì vậy, việc xử lý nghiêm khắc cán bộ, đảng viên vi phạm, dù đó là cán bộ cấp cao, dù đó là cán bộ đã nghỉ hưu, thể hiện quyết tâm siết chặt kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Điều đó cho thấy, không có vùng cấm và không có chuyện “hạ cánh an toàn”. 

Khi bình luận về vấn đề này, trả lời trên báo chí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã nói: “Việc cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng một cán bộ cấp cao là thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc xử lý nghiêm những sai phạm, vi phạm, không loại trừ một ai”. Việc làm của Đảng được nhân dân đánh giá là đúng hướng, kịp thời và hợp lòng dân. Và chắc chắn, chỉ khi xử lý cán bộ vi phạm được làm mạnh, quyết tâm, quyết liệt như vậy mới lấy lại được niềm tin của nhân dân.