Dự cảm có cơ sở

ANTĐ - Một tháng hay một quý qua đi thường để lại hai cảm nhận trái ngược, niềm vui và nỗi lo. Tháng 2-2012, tháng ít ngày nhất trong năm và là tháng “dây dưa” hơi hướng Tết Nguyên đán, cũng cho thấy hai màu sắc tương phản trên “bức tranh” kinh tế - xã hội. Công nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng khởi sắc trông thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ, nhưng mức nhập siêu lại vọt lên 800 triệu USD, mức cao nhất kể từ quý IV-2011, làm dấy lên không ít lo ngại. Mặc dù sau tháng 1 sản xuất trầm lắng, tháng 2 đã có bước chuyển theo hướng tăng trưởng và ổn định. Song lạm phát vẫn có thể tái diễn, lãi suất vẫn còn cao, doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn nên kinh tế chưa thể bứt phá ngay trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 10% so với tháng 1-2012 và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung hai tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp tăng 3,9% so với cùng kỳ. Trong đó, những sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt mức tăng trưởng khá. Ngược lại, nhiều sản phẩm tiếp tục sụt giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ quá thấp.

Đáng quan tâm là, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 vào khoảng 8,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước, nhưng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 9 tỷ USD, tăng 30%. Vậy là nỗ lực xuất siêu 172 triệu USD của tháng 1 đã bị “phá hỏng” bởi mức nhập siêu 800 triệu USD của tháng 2. Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2 chỉ tăng 1,37% so với tháng 1 và đạt mức tăng rất thấp so với các tháng 2 cùng kỳ trong 10 năm gần đây.

Với mức tăng này, CPI tháng 2-2012 đã tăng 16,44% so với tháng 2-2011. Nếu so sánh với những con số thống kê từ năm 2002 đến nay, CPI tháng 2 vừa qua là mức tăng quá thấp. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, trong năm 2012, nếu lạm phát được kéo xuống một con số thì quả là một “kỳ tích”. Bởi lạm phát lâu nay đã trở thành thước đo cho những thách thức, khó khăn lớn nhất, thậm chí là bế tắc trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chẳng hạn, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán quá trầm lắng, so với lạm phát có thể còn nguy hiểm hơn. Hoặc có chuyên gia còn lấy lạm phát làm thước đo cho thanh khoản của ngân hàng khi cho rằng, thanh khoản nguy hiểm hơn cả lạm phát. Có người còn so sánh “ùn tắc giao thông đáng lo ngại hơn lạm phát”. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, chỉ số CPI của tháng 1 tăng 1% so với tháng trước là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của 3 năm gần đây. Nay CPI tháng 2 cũng tăng rất thấp so với cùng kỳ của 10 năm gần đây.

Điều này cho thấy, cứ đà này thì kiềm chế lạm phát năm 2012 dưới một con số là khả thi. Liệu đây có thể coi là dấu hiệu tạm yên tâm về lạm phát? Theo đánh giá của một số chuyên gia, nếu có cái nhìn xa đến cuối năm nay, thì trong 10 tháng còn lại, CPI phải kìm giữ để không được vượt ngưỡng 7% nếu như muốn đạt kỳ vọng CPI cả năm dưới một con số. Rõ ràng đây là cả một khoảng thời gian đầy thách thức với những diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới mà mọi sự “trái gió trở trời” đều nằm ngoài dự báo và dự đoán. Đặc biệt ở trong nước, hàng loạt các loại giá như giá điện, giá than, giá xăng… đang “rập rình” chờ được tăng theo cơ chế thị trường. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định rằng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện những cam kết WTO cộng với kinh tế vĩ mô chưa ổn định, chính là thách thức lớn nhất để kiềm chế và kiểm soát lạm phát hợp lý cho tăng trưởng bền vững.

Dự cảm về lạm phát năm 2012 hoàn toàn không thể dựa vào cảm tính. Việc kiềm chế lạm phát có thể ở mức một con số hay cao hơn còn tùy thuộc vào sự điều hành của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ, đồng lòng của các bộ, ngành, địa phương. Dự cảm có cơ sở dựa trên nỗ lực và kết quả thực hiện. Lạc quan và hy vọng không có nghĩa là chủ quan.