Dự báo và pháp lệnh

ANTĐ - Trong tất cả các kỳ họp Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP luôn được các đại biểu Quốc hội cân nhắc trước khi “bấm nút” biểu quyết thông qua khi thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  của năm tới hoặc cho cả giai đoạn 5 năm. Câu hỏi được các chuyên gia kinh tế cũng như chính các đại biểu Quốc hội đặt ra là: Đâu là cơ sở cho việc lựa chọn và biểu quyết? Có nên đưa chỉ tiêu tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu pháp lệnh hay chỉ nên coi là chỉ tiêu dự báo? Nước ta đang vươn tới nền kinh tế thị trường, chỉ tiêu tăng GDP hàng năm mang tính pháp lệnh không thể tồn tại trong bất cứ nền kinh tế thị trường nào.

Ý kiến của nhiều chuyên gia đều nhất trí cho rằng, tăng trưởng kinh tế là một biến số quan trọng mà trên thực tế, việc kiểm soát biến số này không thật sự nằm trong bàn tay điều hành của Chính phủ. Bởi vì trong một nền kinh tế thị trường, tăng trưởng kinh tế ngày càng ít phụ thuộc vào Chính phủ. Vì vậy Chính phủ không nên tự “trói mình” vào quá nhiều mục tiêu trong khi các công cụ chính sách là hữu hạn. Chính phủ chỉ nên ưu tiên đặt mục tiêu về tỷ lệ lạm phát hàng năm và mức thâm hụt ngân sách. Đây là hai mục tiêu trong tầm tay có thể thực hiện được qua hai công cụ là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính phủ có thể tính toán và ước lượng con số tăng trưởng GDP một cách khách quan dựa trên các dự báo có chất lượng. Con số GDP dự báo của Chính phủ là thông tin định hướng tốt cho các cơ quan Nhà nước lập kế hoạch. Hàng quý, dựa trên thông tin mới xuất hiện, Chính phủ có thể điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, Chính phủ lại có đủ công cụ cần thiết để kiểm soát lạm phát và cân đối ngân sách. Tất nhiên, Chính phủ phải dự báo tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn trên cơ sở đánh giá xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới và tác động của nó vào nền kinh tế trong nước nhằm đưa ra chính sách phù hợp. Một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, dự báo không phải là chỉ tiêu quốc gia giao cho Chính phủ thực hiện. Dự báo là nhằm giúp Chính phủ, nhất là Quốc hội, dự báo thu ngân sách để từ đó quyết định chi ngân sách chi của Chính phủ. Ngân sách chi là luật là Chính phủ bắt buộc phải thực hiện, chứ không thể tùy tiện vượt chi hoặc tùy tiện chi từ mục này sang mục khác. Có những lúc cần phải bội chi để giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt, nhưng phải được Quốc hội thông qua.

Nhiều năm qua, mức bội chi ngân sách ở nước ta luôn vượt mức Quốc hội cho phép. Trong sự vận hành của một nền kinh tế thị trường, người ta không nói đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP, cái đó không phải là nhiệm vụ của Nhà nước. Chỉ tiêu GDP chỉ có thể vận hành trong một nền kinh tế kế hoạch hóa, phi thị trường. Trong một nền kinh tế “bán thị trường” như Việt Nam, các nhà điều hành kinh tế càng cố đạt chỉ tiêu GDP thì càng tạo ra lạm phát và chất lượng tăng trưởng càng đi xuống. Đôi khi chỉ tiêu không đạt được, Chính phủ và Quốc hội lại phải “thương lượng” để hạ chỉ tiêu. Người được hưởng nhiều nhất là tập đoàn và địa phương nhận dự án đầu tư của Nhà nước. Đó là ý kiến của một chuyên gia kinh tế nước ngoài. Theo ông, giải pháp cho vấn đề đã có song không dễ thực hiện. Cần nhìn tới dài hạn để dự báo thay vì đặt chỉ tiêu hàng năm. Dù định hướng ra sao thì chi tiêu ngân sách phải cân bằng để nền kinh tế phát triển ổn định.

Rất nhiều tổ chức và các nhà kinh tế trên thế giới tỏ ra rụt rè và thận trọng khi đưa ra dự báo GDP cho dù họ có trong tay rất nhiều dữ liệu và mô hình dự báo chuyên nghiệp. Bởi vì không ít lần những dự báo không đúng so với thực tế. Bởi thế, thay vì đưa ra Quốc hội biểu quyết chỉ tiêu GDP, các vị “tư lệnh” của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần phải định kỳ trước Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về dự báo GDP, lạm phát, tài khóa, tiền tệ kèm theo các chính sách.

Đã đến lúc phải chấp nhận chỉ tiêu dự báo GDP thay vì chỉ tiêu pháp lệnh.