Dự báo thời tiết: Mưa lũ, sạt lở diễn biến phức tạp từ Bắc vào Nam

ANTD.VN -Huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các đơn vị liên quan dừng ngay các hội nghị, hội họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ, ngập úng đang diễn ra trên địa bàn.

Nước sông Bùi  vẫn rút chậm

Đại diện UBND huyện Chương Mỹ thông tin, đến 7h sáng nay, mực nước sông Bùi vẫn vượt mức BĐ 3, ở mức 7,28m. Mức nước so với ngày hôm qua đã rút nhưng khá chậm. Nguyên nhân do khu vực Hòa Bình, Hà Nội vẫn tiếp tục có mưa, các hồ chứa xung quanh cũng đã đầy nước.

Đại diện huyện Chương Mỹ cũng thông tin, hiện nay toàn bộ các điểm xung yếu trên tuyến đê tả Bùi đã được kè bằng bao cát khá vững, ngoài lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ trên địa bàn ứng trực 24/24h tại các điểm đê  thì các lực lượng khác trên địa bàn huyện tập trung vào chăm lo, khắc phục cuộc sống cho bà con trên địa bàn, tập trung ở những xã bị ngập sâu.

Lực lượng Công an hỗ trợ người dân bị ngập trên địa bàn huyện Chương Mỹ

Cũng trong tối qua, huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các đơn vị liên quan dừng ngay các hội nghị, hội họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ, ngập úng đang diễn ra trên địa bàn.

Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, tính đến chiều 31-7 cho thấy, trên địa bàn huyện Chương Mỹ  có 12km đê, hồ, đập bị sạt lở; 35 cầu, cống bị hư hỏng. Ngoài ra, còn có 3.629 hô dân bị ngập nước, trong đó có 858 hộ bị ngập lối đi, 2.771 nhà bị ngập sâu trong nước từ 0,5-2m; 5.167 người phải đi sơ tán. Ngoài ra, còn có hàng chục công trình đình chùa, trường học bị ngập, hư hỏng.

Hàng chục hộ dân Hòa Bình chạy sạt lở trong đêm

Trong một diễn biến liên quan, tại khu vực TP Hòa Bình tình hình sạt lở hàng chục hộ dân vẫn đang diễn biến phức tạp do mưa lớn vẫn xảy ra vào đêm qua, 31-7.

Báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho thấy, đến sáng 1-8, tại lý trình km3, đường 445 thuộc khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn xuất hiện hiện tượng sạt lở taluy dương với khối lượng khoảng 600m3. Từ lý trình 3+100 đến lý trình 3+200, mặt đường xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 100m, chiều rộng vết nứt lớn nhất khoảng 20cm; mặt đường có chỗ lún sâu hơn 40 cm. Việc sụt lún này đã tạo thành khu vực sụt lún có diện tích khoảng 300 m2 và có nguy cơ trượt sạt xuống sông Đà. Khu vực sụt lún ảnh hưởng trực tiếp đến 4 hộ dân phía taluy âm và 3 hộ dân phía taluy dương, đồng thời làm ách tắc giao thông toàn bộ khu vực này.

Tại khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, hồi 18h ngày 30-7-2018 đã xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông trên diện rộng làm nhà của 29 hộ dân (28 hộ nhà xây và 1 hộ có đất trống) bị thiệt hại đổ xuống lòng sông Đà.

Trong đó, 9 hộ sập nhà hoàn toàn; 10 hộ sập nửa nhà; 9 hộ nhà bị rạn nứt có nguy cơ sụp đổ. Tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương di dời 4 hộ khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn và 35 hộ khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến đến nơi ở an toàn.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên cắt cử người theo dõi và ứng trực, nghiêm cấm toàn bộ người dân qua lại khu vực sạt lở. Nhanh chóng tổ chức ổn định đời sống và sinh hoạt đối với các hộ dân phải di dời.

Chiều 31-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ và tình hình sạt lở tại đây. Phó Thủ tướng nhận định, thời tiết vẫn còn diễn biến rất phức tạp, vì vậy, tỉnh không được chủ quan mà cần phải tiếp tục chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu sảy ra. “Giao Bộ TN&MT; Bộ Xây Dựng, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh đánh giá nguyên nhân sạt lở, kiểm tra các điểm sạt lở để đề ra biện pháp khắc phục, xây dựng phương án sơ tán, bố trí lại dân cư tránh nguy cơ sạt lở”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nước dồn dập về lũ miền Tây lên nhanh

Còn tại các tỉnh miền Tây, hiện nước lũ đồng bằng sông Cửu Long đang lên rất nhanh do ảnh hưởng của triều cường và nước thượng nguồn từ Lào đổ về gây thiệt hại lớn cho người dân tại An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Nước lũ miền Tây đang lên rất nhanh

Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang lên và còn diễn biến phức tạp. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long (An Giang) đang lên.

Cơ quan khí tượng đo đạc, ngày 29-7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 2,87 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,38 m. Đến 30-7, mực nước cao nhất trên sông Tiền 2,97 m; trên sông Hậu là 2,47m. Đến ngày 8-8-2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35m (dưới BĐ1 là 0,15m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75m (dưới BĐ1 là 0,25m).

Trong 10 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 13/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,7m (trên BĐ1 là 0,20m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m (trên BĐ1 là 0,10m), sau đó biến đổi chậm.

Đến ngày 18-8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu ở mức 3,55m (trên BĐ1 là 0,05m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc ở mức 2,95m (dưới BĐ1 là 0,05m). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2 và trên BĐ2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10-2018.

Bắc bộ mưa chưa ngớt trút xuống

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, do ảnh hưởng của rãnh Tây Bắc- Đông Nam có trục đi qua khu vực Bắc bộ nên trong ngày và đêm qua 31-7, các tỉnh Bắc bộ đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như tại Lạc Sơn (Hòa Bình) 68mm, Chi Nê (Hòa Bình) 66mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 55mm, Hà Đông (Hà Nội) 48mm, Hà Nam 70mm,…

Hiện, rãnh Tây Bắc- Đông Nam duy trì có trục đi qua khu vực Bắc bộ, trong sáng nay 1-8, các tỉnh Bắc bộ còn có mưa, mưa vừa và rải rác có giông; riêng khu Đông Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.