Dự án nợ đền bù 10 năm, rút kinh nghiệm vì... lỗi không cố ý

ANTD.VN - 10 năm qua, người dân vùng dự án Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế) đã giao đất phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù, hỗ trợ di dân, tái định cư. Điều này khiến dân rất bức xúc, khiếu kiện nhiều năm, các cơ quan liên quan cũng thừa nhận trách nhiệm nhưng cho rằng đó chỉ là lỗi “nhận thức”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận sáng 16-8

“Sợi dây” kinh nghiệm rút mãi không hết

Ngày 16-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư. Suốt 10 năm qua, người dân quanh vùng dự án Hồ Tả Trạch đã giao đất phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù, hỗ trợ di dân tái định cư kịp thời.

Điều này khiến dân rất bức xúc, khiếu kiện nhiều năm. Để có tiền đền bù cho dân, theo nội dung Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề xuất sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần đền bù. Cụ thể là chi 77 tỷ đồng để đền bù bằng tiền cho các hộ gia đình nhằm xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài của người dân.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về nguyên tắc, việc Chính phủ đề xuất chi 77 tỷ đồng kể trên để thực hiện bồi thường, di dân tái định cư cho bà con vùng dự án là chưa phù hợp.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhấn mạnh, việc Bộ NN&PTNT cho phép bổ sung hạng mục đền bù (77,575 tỷ đồng) vào dự án Hồ Tả Trạch khi chưa có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ... Tại phiên họp, giải trình liên quan đến trách nhiệm của Bộ NN&PTNT ở dự án này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã nhận khuyết điểm. “Đây là do nhận thức chưa sâu sắc. Bộ nghiêm túc nhận khuyết điểm, sẽ kiểm điểm những cơ quan, đơn vị liên quan”, ông Hoàng Văn Thắng nói. 

Đa số các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, phải giải quyết dứt điểm tình trạng nợ dân, không để dân phải khó khăn hơn nữa, ngoài đền bù bằng tiền còn phải tính thêm vấn đề sinh kế, dân sinh cho bà con.

Tuy nhiên nguồn vốn đền bù cho dân lấy từ đâu và đền bù cho dân như thế nào thì phải minh bạch, giữ nghiêm kỷ cương tài chính. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng này không chỉ là rút kinh nghiệm mà sai phải xử lý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo: “Chính phủ phải có trách nhiệm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội. Phải sớm giải quyết đền bù cho dân. Không phải cứ xong rồi lại rút kinh nghiệm, từ năm này sang năm khác “sợi dây” kinh nghiệm rút hoài không hết”. 

Không có nhu cầu vẫn được phân bổ vốn

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, tại Nghị quyết số 101/2015/QH13, Quốc hội đã thông qua 50.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài). Hiện có nhiều dự án giải ngân nhanh hoặc đã giải ngân hết số vốn kế hoạch. Ngược lại, nhiều trường hợp giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giao Thủ tướng Chính phủ điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương theo nguyên tắc giảm vốn đối với các dự án giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân để điều chuyển cho các dự án đã đạt mức giải ngân cao hoặc đã giải ngân hết kế hoạch, có nhu cầu bổ sung thêm vốn…

Không đồng tình với đề xuất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích: “Luật Đầu tư công quy định rất rõ là dự án phải đầy đủ thủ tục mới được bố trí vốn, bây giờ lại xin điều hòa nguồn vốn vì có những dự án chưa đủ thủ tục thì không được, tại sao chưa đủ thủ tục mà lại trình ra Quốc hội để phân bổ vốn?”.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Vì sao 3 địa phương chưa có nhu cầu lại được bố trí vốn? Những chuyện như thế này khó hiểu lắm. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, chuẩn bị lại Tờ trình về vấn đề này. Tất cả những vấn đề điều chỉnh, bổ sung đều phải được giải trình thấu đáo”.