Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nhiều nội dung chưa thống nhất

ANTD.VN -  Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vào chiều nay (15-11), ĐB Bùi Thanh Tùng (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) cho rằng, nhiều nội dung chưa thống nhất liên quan tới Thanh tra, Kiểm toán nhà nước và các quy định xử phạt hành chính về thuế.

ĐB Bùi Thanh Tùng phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Theo ĐB Bùi Thanh Tùng, cần phải tiếp tục rà soát đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật. Về nguyên tắc quản lý thuế tại Điều 5, cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung về áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập trong quản lý thuế đối với các phát sinh giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết nhằm chống chuyển giá và xói mòn nguồn thu từ các doanh nghiệp đa quốc gia.

Về xây dựng lực lượng quản lý thuế được quy định tại Điều 10 của Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ĐB Tùng đề nghị, bỏ điều này vì lực lượng quản lý thuế là cán bộ, công chức và các quy định về cán bộ công chức đã được quy định cụ thể tại Luật Cán bộ, công chức.

Ông Tùng cũng cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay không có khả năng nộp đủ thuế nợ và tiền chậm nộp. Từ đó, ĐB Tùng kiến nghị, nên bổ sung thêm quy định về thẩm quyền của Chính phủ cho phép khoanh nợ và tiền chậm nộp trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính với các đối tượng như trên nhằm giải toả áp lực lớn đối với cơ quan thuế trong việc quản lý nợ, khống chế nợ.

ĐB Tùng kiến nghị, Quốc hội và Chính phủ sớm xem xét, bổ sung đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hoá là ô tô sản xuất trong nước khi đạt tỉ lệ phần trăm nội địa hoá nhất định, hoặc xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

ĐB Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tai phiên thảo luận

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ĐB đề nghị cần bổ sung vào Điều 18 - nghĩa vụ của các cơ quan thuế là cơ quan quản lý thuế phải tổ chức đối thoại với đối tượng nộp thuế hàng năm. Đây là một lỗ hổng quản lý khá lớn hiện nay, giữa chính quyền, các cơ quan quản lý kinh doanh và cơ quan thuế, đối với hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ĐB Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc) cho rằng, nên bổ sung thêm một chương về quản lý nhà nước về thuế. Dự thảo luật chưa phân biệt chức năng quản lý nhà nước về thuế với chức năng quản lý thuế, đã đồng nhất giữa quản lý thuế với quản lý nhà nước về thuế.

“Tôi đề nghị bổ sung một chương quản lý nhà nước về thuế, trong đó nội hàm gồm nội dung quản lý nhà nước về thuế, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuế. Quy định đồng bộ cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và giám sát của người dân phải độc lập với thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý thuế”, ĐB Tiến nói.

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) cho rằng, có tình trạng trốn thuế là do hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ và còn nhiều lỗ hổng. Luật quản lý thuế hiện hành đã xây dựng cách đây 10 năm đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần. Tuy nhiên, chưa ngăn chặn tình trạng này.

“Nếu các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp liên kết tại dự thảo lần này vẫn kết cấu theo hướng rải rác tại các chương thì chưa thể hiện được sự kiên quyết về vấn đề xử lý chuyển giá, tránh thuế tại các doanh nghiệp, khó ngăn chặn trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi nhanh, phức tạp và khó lường”, ĐB Hồ Thị Kim Ngân phân tích.