Dự án "khủng" của Trung Quốc thổi bùng lửa giận

ANTD.VN - Tiếng là được Trung Quốc đầu tư dự án trị giá hàng chục tỷ USD, song điều mà người dân ở bang nghèo nhất Myanmar nhận lại là nguy cơ phải ly hương, mất công ăn việc làm.

Dự án "khủng" của Trung Quốc thổi bùng lửa giận ảnh 1Một phần siêu dự án của Trung Quốc tại khu kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu đang bị người dân Myanmar phản đối

Người dân Myanmar quanh khu kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu nằm trên đảo Maday thuộc tỉnh Rakhine đang hết sức giận dữ trước dự án đầu tư khổng lồ trị giá tới cả chục tỷ USD của Trung Quốc vào đây. Điều này xem ra có vẻ nghịch lý bởi  với vùng đất nằm tại bang nghèo nhất Myanmar thì lẽ ra người dân ở đây phải vui mừng về cơ hội “đổi đời” khi có dự án đầu tư nước ngoài “khủng”.

Khu kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu “rơi vào tay” Công ty CITIC khi tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc này được giao xây dựng một cảng biển nước sâu nằm bên Ấn Độ Dương trị giá 7,3 tỷ USD và một khu công nghiệp quy mô 2,3 tỷ USD. Dự án “siêu khủng” này được cho sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai phía Trung Quốc và Myanmar, trong đó Trung Quốc hứa hẹn sẽ tạo ra tới 100.000 việc làm cho tỉnh Rakhine nghèo nhất Myanmar.

Đúng là siêu dự án Kyauk Pyu sẽ mang lại những lợi ích chiến lược rất quan trọng cho Trung Quốc bởi tại đây đang xây dựng cảng nước sâu tới 20m, có khả năng tiếp nhận tàu kích cỡ siêu lớn lên tới 300.000 tấn. Cảng Kyauk Pyu - đã hoàn thành giai đoạn 1 và mở cửa vào tháng 11-2014, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào năm 2025 với công suất xử lý hàng năm là 7 triệu TEU - có vai trò rất quan trọng đối với Trung Quốc vì là cửa ngõ để nước này xâm nhập Ấn Độ Dương.

Quan trọng hơn, cảng Kyauk Pyu còn là điểm cuối của tuyến đường sắt và ống dẫn dầu nối khu vực phía Tây Nam Trung Quốc như Vân Nam hay Trùng Khánh với Ấn Độ Dương, khiến hàng hóa xuất khẩu và dầu mỏ, khí đốt cung cấp cho Trung Quốc không phải đi qua đường vòng, giúp tiết kiệm tới 5.000km so với tuyến đường biển qua eo Malacca. Do vậy, đây được xem là một đầu nối chiến lược đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược lớn “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. 

“Miếng bánh” mà Trung Quốc hưởng lợi rõ ràng vô cùng lớn, song với rất nhiều người dân Myanmar thì “mảnh vụn rơi vãi”  chưa thấy đâu. Trung Quốc hứa tạo ra 100 nghìn công ăn việc làm nhưng số liệu mà hãng Reuters đưa ra ngày 9-6 cho thấy, chỉ vẻn vẹn 47/3.000 người sống ở đảo Maday, một cửa ngõ đường ống dẫn dầu nối Myanamar với Trung Quốc, được nhận vào làm việc. Trong khi đó, khoảng 20.000 dân làng, đa số phụ thuộc nông nghiệp và đánh cá, có nguy cơ phải di dời hoặc thay đổi công việc, thậm chí hàng trăm ngư dân Myanmar đã bị cấm đánh bắt cá ở khu vực gần đường ống dẫn dầu nối nơi này với Trung Quốc.

Chính vì thế, người dân quanh khu kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu trên đảo Maday từ năm 2010 tới này đã nhiều lần biểu tình phản đối dự án “khủng” của Trung Quốc, trong đó nghiêm trọng là nhất là việc cưỡng bức di dời hàng nghìn gia đình khỏi mảnh đất gắn bó với họ bao đời. Bị “gạt sang bên lề” các dự án lớn của Trung Quốc đầu tư tại Myanamar vốn được ký kết từ thời chính quyền quân sự trước đây cũng là nguyên nhân thổi bùng sự giận dữ của người dân quốc gia Đông Nam Á này dọc tuyến đường ống dẫn khí đốt Shwe dài gần 800 km nối bờ biển Myanmar với phía Tây Nam Trung Quốc hay tại mỏ đồng Letpadaung…