- Thay nhà thầu thi công ga La Thành đường sắt Cát Linh- Hà Đông
- Sở Xây dựng trả lời về việc "chậm thi công, đầm Hồng bị bức tử"
- Không lùi tiến độ dự án cầu Bạch Đằng
Tuyến mương L2A vẫn ngổn ngang, ô nhiễm sau 4 năm thi công
4 năm vẫn chưa đâu vào đâu
Tuyến mương L2A gói thầu số 3 thuộc Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội được khởi công từ tháng 3-2012. Trước khi cải tạo, nơi đây vốn là một con mương hở thoát nước thải nằm giữa khu dân cư đông đúc, gây ô nhiễm môi trường nặng nề cho nhiều hộ dân của làng Khương Thượng. Dọc hai bên bờ mương, nhiều hộ dân cũng đã xây dựng, cơi nới ra sát mép nước chỉ chừa lại lối đi nhỏ hẹp với chiều rộng khoảng 0,7m.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, trú tại tổ 32, phường Khương Thượng có nhà ngay sát con mương cho biết: “Sau nhiều năm sống cạnh mương nước thải này, chúng tôi thực sự lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường. Khi được biết Nhà nước có chủ trương cống hóa con mương, bà con trong phường rất mừng vì từ nay sẽ thoát cảnh ô nhiễm. Tuy nhiên, niềm vui ấy nhanh chóng tan biết khi suốt 4 năm qua việc thi công vẫn chưa đâu vào đâu. Đến tận bây giờ tuyến mương vẫn nham nhở, vật liệu xây dựng, hầm hố đào bới khắp nơi. Đường đi lối lại của người dân cũng không có khiến việc sinh hoạt vô cùng bất tiện”.
Có mặt tại ngõ 139 Khương Thượng, phóng viên ghi nhận sự việc đúng như người dân phản ánh. Sau 4 năm thi công, tuyến mương L2A vẫn là một đại công trường ngổn ngang cọc móng. Nhiều khu vực trũng còn bị biến thành ao nước thải tù đọng với đủ loại rác rưởi. Chưa hết, nhiều hộ dân hai bên bờ mương thuộc diện bị thu hồi đất GPMB đã nhân đó biến phần diện tích còn lại thành những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo.
Bà Phạm Thị Nga ở tổ 26 nói: “Đã 4 năm nay, mỗi lần tôi đi làm về đều phải xuống xe dắt bộ từ đầu ngõ 139 Khương Thượng vào vì không có lối đi. Ở đây hiện có một số hộ diện tích còn lại sau khi bị thu hồi phục vụ dự án chỉ còn lại vài mét vuông. Nhưng chờ đợi suốt mấy năm trời mà dự án vẫn chưa hoàn thành, lo sợ sẽ bị các hộ khác lấn chiếm nên họ đã sửa sang phần diện tích còn lại của mình tạo thành những ngôi nhà kỳ dị”.
Cần sớm khắc phục
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Phúc Hợi - Chủ nhiệm công trình mương L2A thuộc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội nói: “Việc tuyến mương L2A bị chậm trễ như hiện nay là do công tác bàn giao mặt bằng bị chậm hoặc có bàn giao nhưng ở trình trạng “xôi đỗ”, bàn giao theo nhiều giai đoạn gây khó khăn trong việc huy động máy móc, nhân công. Ngoài ra, chúng tôi vừa phải thi công vừa phải đảm bảo thoát nước, đặc biệt trong mùa mưa có thời điểm phải dừng toàn bộ để ưu tiên cho thoát nước. Bên cạnh đó, do hiện trạng ban đầu là mương hở nên các công trình ngầm, nổi đã được lắp đặt, xây dựng từ trước cần phải di chuyển để thi công. Trong quá trình thi công vẫn phải đảm bảo cho các công trình trên hoạt động bình thường như: hệ thống ống cấp nước sinh hoạt, cáp điện, cáp thông tin... Ngoài ra, hầu hết các công trình nhà dân được xây dựng sát mép mương, nhiều công trình xây dựng tạm trên nền đất yếu nên trong quá trình thi công, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để gia cố, chống đỡ và xử lý các sự cố tránh đổ nhà của họ”.
Về tình trạng tồn tại một số nhà dân ở tình trạng siêu mỏng, siêu méo, ông Nguyễn Hoàng Thắng - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Thượng cho biết, hiện dọc tuyến mương L2A có tất cả 13 hộ dân bị thu hồi đất và diện tích còn lại không đủ điều kiện xây dựng. Trong đó có 6 hộ đã hợp khối với các thửa đất liền kề, còn lại 7 hộ hiện có diện tích chỉ từ 0,2m2 đến 10m2. UBND phường đã có nhiều văn bản gửi cấp trên đề xuất phương án thu hồi nốt nhà, đất của các hộ này để làm các công trình công cộng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án bồi thường nên mọi việc vẫn chưa thể thực hiện được.
“Tôi khẳng định, những hộ có diện tích còn lại ở dạng siêu mỏng đều là nhà cũ và họ chỉ chỉnh trang, đảm bảo an toàn công trình để giữ đất chờ chủ trương chứ không hề có hộ nào xây mới” - ông Nguyễn Hoàng Thắng cho biết.