Dự án cải tạo khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt: Mong sớm được chuyển về nhà mới

ANTD.VN -Nhận lời hứa sẽ được tái định cư tại chỗ trong vòng 2 năm, gần 30 hộ dân của khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt khấp khởi nhận tiền hỗ trợ và nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho BQL dự án. Vậy mà từ năm 2012 đến nay, thời gian trôi qua đã gấp 2,5 lần lời hứa ban đầu, nhưng họ vẫn chỉ biết sống trong cảnh ăn nhờ ở đậu và mỏi mòn chờ đợi.

Cả khu tập thể chung nhau 1 nhà vệ sinh

Đến tận bây giờ, cụ Vũ Đăng Khoa, trú tại P201 khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn không thể quên được những ấn tượng nhớ đời trong những chuỗi ngày phải sống trong khu tập thể dột nát này. Cách đây 7 năm, khi nghe tin về việc thành phố cho triển khai xây dựng lại khu tập thể, cụ Khoa rất ủng hộ. Cụ cũng là gia đình đầu tiên nhận tiền hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý để đi thuê trọ tạm thời chờ dự án khởi công xây dựng. Thế nhưng, cụ và gia đình cứ chờ mãi... chờ mãi mà không biết đến bao giờ mới có thể quay trở lại căn nhà của mình.

Khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt

Cụ Khoa nói: “Các anh không thể tưởng tượng được trước đây chúng tôi sống khổ sở như thế nào. Cả khu tập thể chỉ có duy nhất 1 nhà vệ sinh, 1 nhà tắm ngăn đôi cho nam và nữ. Nói ra thì xấu hổ, nhưng tiếng là ở giữa Thủ đô mà mỗi buổi sáng dậy đi vệ sinh, cư dân chúng tôi phải thay nhau xếp hàng chờ đến lượt cứ dài dằng dặc như đi mua gạo thời bao cấp. Có người chờ được nửa chừng thì không chịu nổi đành phải chạy ngược về nhà “đi” vào bô như trẻ con vậy. Chỉ nói riêng vấn đề này thôi cũng đủ để thấy cuộc sống của khu tập thể này khốn khổ thế nào”.

Tuy nhiên, dù là người ủng hộ và bàn giao mặt bằng đầu tiên nhưng đến tận bây giờ cụ Khoa vẫn phải ăn chực nằm chờ bởi phải đi thuê trọ suốt 5 năm qua. Cụ bà Nguyễn Thị Thêm (vợ cụ Khoa) nói: “Hai vợ chồng tôi năm nay đều đã 80 tuổi, chẳng còn sống được lâu nữa. Chúng tôi chỉ mong sao dự án sớm khởi công để có thể quay trở lại sống nốt những ngày tháng cuối đời trong căn nhà của mình. Nhưng cứ với cái đà này, có lẽ đến lúc chết chúng tôi cũng vẫn phải đi ở trọ”.

Cụ Khoa chỉ mong được chuyển về nhà mới để sống nốt những năm tháng cuối đời

Cũng bức xúc như vợ chồng cụ Khoa là ông Trần Đình Lợi, một hộ dân sống tại tầng 3 của khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt. Nhớ lại những ngày tháng trước đây, ông Lợi ngao ngán: “Đó không thể gọi là cuộc sống mà phải dùng từ “chui rúc” mới đúng. Các anh tính, mỗi gia đình chỉ có 1 căn hộ diện tích chưa nổi 20m2. Nhà nào cũng phải cơi nới thêm “ba lô”, “chuồng cọp” lấn chiếm hết khoảng không khiến xung quanh không còn nổi chút ánh sáng tự nhiên nào. Tiếng là ở chung cư cao tầng, nhưng dù giữa trưa mà nhà nào cung phải bật đèn vì tối tăm quá. Đã thế khu tập thể còn xuống cấp dột nát khắp nơi. Vệ sinh thì bẩn kinh khủng, đến cả nơi tắm rửa cũng không có. Nhà nào không chịu nổi cảnh cơ cực ấy thì tự cơi nới làm nhà vệ sinh rồi thải thẳng mọi thứ ô uế ra cống thoát nước của thành phố. Vậy mà tôi không hiểu có những gia đình còn “cố thủ” ở đó làm gì?”.

Ông Lợi bức xúc vì dự án xây dựng lại khu tập thể chậm chễ suốt nhiều năm

Ông Lợi cũng bàn giao mặt bằng cho BQL dự án ngay từ những ngày đầu tiên để đi thuê trọ, chờ đợi ngày được về nhà mới. Nhưng càng chờ càng thất vọng, thế nên ông cùng gần 30 hộ dân đã viết đơn kiến nghị lên thành phố và các ban ngành đề nghị sớm GPMB và khởi công xây dựng lại khu tập thể. Thế nhưng đã 6 lá đơn được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền mà mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Ông Lợi gay gắt: “Chủ trương xã hội hóa cải tạo, xây dựng lại khu tập thể này là niềm mong mỏi của rất nhiều hộ dân. Thế nhưng, chỉ vì một vài hộ ích kỷ, đòi hỏi quá đáng, không chịu di dời khiến tất cả mọi người phải khốn khổ theo. Trong khi đó, rõ ràng đây là nhà thuộc sở hữu nhà nước. Họ chẳng có bất cứ cơ sở pháp lý nào để đồi hỏi những thứ nực cười như thế”.

Cần sớm triển khai

Trong những lá đơn kiến nghị, các hộ dân như cụ Khoa, ông Lợi cho biết: “Chúng tôi khẳng định rằng, những hộ cố thủ không chịu bàn giao mặt bằng không đại diện cho tiếng nói của chúng tôi. Họ là những người có rất ít quyền lợi gắn bó với khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt. Thậm chí có nhiều gia đình dù có nhà ở đây nhưng không ở mà đem cho thuê. Chính vì vậy họ cứ đưa ra những yêu sách vô lý để mặc cả theo kiểu, đòi được càng nhiều quyền lợi càng tốt, nếu không thì họ cũng chẳng mất gì. Chính sự ích kỷ đó gián tiếp khiến các gia đình khác như chúng tôi phải lâm vào cảnh khốn khổ.

Phần cơi nới và các ống nước thải ô nhiễm của khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt được xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước của thành phố

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quốc Phong - BQL Dự án cải tạo xây dựng khu tập thể cũ 30A Lý Thường Kiệt - cho biết, thực tế trong số 15 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng thì chỉ có 3 hộ là vẫn đang ở tại đây. Còn 12 hộ thì khóa cửa và sống ở nơi khác.

“Chúng tôi đã đi tìm hiểu và được biết, các hộ này đều có nhà riêng chứ không phải không có nhà ở. Đối với 3 hộ còn lại, chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về mức độ an toàn, vì phần lớn khu nhà này đã được tháo dỡ nên phần còn lại đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng về độ an toàn, có thể sập đổ bất cứ lúc nào” - ông Phong nói.

Ngoài số gần 30 hộ dân gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu sớm triển khai xây dựng dự án còn có nhiều các đơn vị đã bàn giao mặt bằng như Báo Du lịch, Công ty CP Mỹ thuật và vật phẩm văn hóa… cũng có văn bản kiến nghị về việc chậm trễ này. Thế nhưng đến nay mọi sự vấn án binh bất động và chưa biết đến bao giờ những yêu cầu chính đang kia mới được giải quyết.