Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới: Lún, nứt do… mưa lớn!

ANTD.VN - Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới được Bộ GTVT chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác ngày 18-5-2017, bắt đầu thu phí từ 1-2018 nhưng đã xảy ra sự cố sụt trượt, lún nứt tại 2 vị trí.

Trong khi đó, dự án BOT này cũng gặp không ít khó khăn khi trạm BOT thu phí hoàn vốn gặp phải phản ứng khá dữ dội từ người dân. Thêm vào đó, doanh thu của trạm hiện chỉ đạt khoảng 13% so với phương án tài chính đưa ra.

Theo đó, tại dự án này đã xảy ra sụt trượt tại 2 vị trí mái dốc ta luy dương Km104+160  đến Km104+255 và Km104+500 đến Km104+590.

Cụ thể, vị trí sụt trượt tại Km104+160  đến Km104+255, sau khi đưa vào khai thác, công trình vẫn ổn định bình thường. Đến tháng 7-2017, sau một đợt mưa lớn và kéo dài nhiều ngày, trên mái cơ thứ nhất (phía trên đỉnh tường chắn ta luy dương) xuất hiện nước ngầm thấm từ trong mái ta luy ra khe các tấm ốp bê tông xi măng.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vừa đưa vào khai thác đã gặp sự cố sạt lở

Do nước ngầm xuất hiện làm cho nền đất phía trong mái ta luy bị bão nước, mất ổn định, xuất hiện cung trượt và hình thành khe nứt tại vị trí nói trên. Toàn bộ mái ta luy đào và hệ thống tấm ốp bê tông xi măng trồi về phía nền đường, làm hệ thống tấm ốp bị bong bật, xô dồn, 7 đốt tường chắn ta luy dương bị đẩy nghiêng hẳn ra mặt đường.

Trong quá trình nhà thầu thi công xử lý sụt trượt theo hồ sơ thiết kế lại xuất hiện thêm khe nứt mới trên sườn dốc cách vị trí rãnh đỉnh (khe nứt cũ) khoảng 20-25m, bề rộng vết nứt từ 0,3-1m, chiều sâu vết nứt từ 0,7-2m.

Còn tại vị trí sụt trượt Km104+500 đến Km104+590, sau khi đưa vào khai thác, công trình vẫn ổn định bình thường. Đến tháng 7-2017, sau một đợt mưa lớn và kéo dài nhiều ngày, trên mái cơ thứ nhất (xếp rọ đá) xuất hiện nước ngầm thấm từ trong mái ta luy qua lớp rọ đá chảy ra rãnh dọc.

Liên danh nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới gồm Cienco4 - Trường Lộc - Tuấn Lộc cho rằng, mặc dù, trong quá trình thi công theo hồ sơ thiết kế điều chỉnh của TEDI, mái ta luy đã xuất hiện nước thấm từ trong mái ta luy đảo ra (mạch thấm nhỏ), TEDI đã điều chỉnh không ốp mái bằng tấm bê tông xi măng cơ dưới cùng và thay bằng tường chắn rọ đá.

Tuy nhiên, sau khi đưa công trình vào khai thác, nước ngầm đã chảy về mái ta luy với lưu lượng lớn hơn nhiều so vói trước (nước chảy thành dòng), làm cho nền đất phía trong mái ta luy bị bão hòa nước, mái ta luy mất ổn định, xuất hiện cung trượt đoạn Km104+500 -Km104+590; khối trượt dịch chuyển đẩy toàn bộ mái ta luy đào và hệ thống tấm ốp bê tông xi măng trồi về phía nền đường làm cho hệ thống tấm ốp bị bong bật, xô dồn, 30m tường chắn rọ đá bị đẩy trồi ra mặt đường.

Theo liên danh nhà đầu tư, từ giữa tháng 7-2017, khu vực dự án thường xuyên xảy ra các đợt mưa với tần suất và cường độ lớn. Mặc dù đã thiết kế tường chắn rọ đá và rãnh thấm để thoát nước ngầm, nhưng thực tế sau khi đưa công trình vào khai thác lượng nước ngầm thấm về mái ta luy quá lớn là nguyên nhân chính gây nên sự cố sụt trượt.

“Do việc điều tra, quan trắc để đánh giá chính xác lượng nước ngầm thấm về mái ta luy đòi hỏi cần thời gian dài (qua nhiều mùa mưa) và chi phí tốn kém, trong khi tiến độ công trình quá gấp rút phải hoàn thành theo yêu cầu của Bộ GTVT, nên việc điều tra, quan trắc đã không thể thực hiện được”, đại diện liên danh nhà đầu tư cho hay.

Theo đó, Liên danh Cienco4 - Trường Lộc - Tuấn Lộc cho rằng, tại thời điểm khảo sát mực nước dưới đất chỉ phát hiện trong một số lỗ khoan cầu vượt sông, giếng sinh hoạt của người dân với biên độ dao động khá lớn. Còn các lỗ khoan nền đường đào sâu không thấy xuất hiện nước ngầm trong thời gian khảo sát.

Còn tại vị trí sụt trượt Km104+500 đến Km104+590 theo hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt có nền đường thông thường (đào sâu dưới 12m). Theo quy trình khảo sát đường ô tô thì 1km chỉ bố trí 1 đến 2 lỗ khoan, do vậy nhiệm vụ khảo sát không bố trí lỗ khoan cho vị trí này.

Trong suốt quá trình thi công dự án, nhà thầu thi công đã tuân thủ theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, các quy trình thi công và chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, chịu sự giám sát và tư vấn hàng ngày của Tư vấn giám sát; thi công đảm bảo chất lượng, được nghiệm thu chuyển giai đoạn, nghiệm thu hoàn thành của Tư vấn giám sát.

Hơn nữa, trong suốt quá trình thi công vào mùa khô, Tư vấn giám sát và nhà thầu thi công không thấy sai khác về điều kiện địa chất so với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; chưa thấy xuất hiện các yếu tố bất lợi nào đối với công trình. Riêng đoạn Km104+500 đến Km104+590 có sự sai khác về địa chất và TEDI đã điều chỉnh

“Việc xảy ra sụt trượt tại 2 vị trí này là do gặp điều kiện địa chất bất thường, cục bộ không đồng nhất, nước ngầm kèm mưa lớn xuất hiện gây ảnh hưởng đến sự ổn định mái taluy. Đây là nguyên nhân khách quan, sự cố ngoài kiểm soát của tư vấn và các đơn vị liên quan”,  đại diện liên danh nhà đầu tư cho hay.