Dự án biến nước biển thành nước ngọt

ANTĐ - Mặc dù nước chiếm tới 71% diện tích bề mặt Trái đất, nhưng theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện vẫn có khoảng gần 800 triệu người phải sống trong cảnh thiếu nước uống và nước sinh hoạt. Mới đây, 2 cựu sinh viên trường Đại học Bắc California (Mỹ) đã phát minh ra một chiếc máy có thể biến nước biển thành nước ngọt rất thân thiện với môi trường, đặc biệt nó hoạt động hoàn toàn tự động chủ yếu nhờ vào… sóng biển.

Dự án biến nước biển thành nước ngọt  ảnh 1Justin Sonnett, người đồng sáng chế SAROS

Điều thú vị từ những con sóng

Chủ nhân của phát minh trên chính là Justin Sonnett và Chris Matthews. Thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt của họ có tên là SAROS - một hệ thống lọc theo nguyên lý thẩm thấu ngược. Hai nhà khoa học trẻ chia sẻ, chiếc máy này có thể loại bỏ muối khỏi nước biển thông qua việc sử dụng một máy bơm áp lực cao. Tuy nhiên, điều thú vị đặc biệt là năng lượng dùng cho máy bơm áp lực và hệ thống SAROS sẽ được lấy từ những con sóng tại chính nơi được lắp đặt SAROS.

Theo đó, SAROS được lắp đặt trên một chiếc phao và đẩy ra biển cùng với một con lắc đã được 2 chàng sinh viên lắp đặt sẵn. Con lắc này là bộ phận quan trọng nhất để tích năng lượng từ những đợt sóng xô bờ. Sau đó, nhờ năng lượng của sóng, nước biển được bơm bằng một máy bơm áp lực cao thông qua một màng thẩm thấu ngược, muối sẽ được lấy ra khỏi nước và mang lại một nguồn nước sạch cho mọi người sử dụng.

Hướng tới cộng đồng nhưng... thiếu kinh phí

Sau khi đưa hệ thống SAROS vào thử nghiệm thành công, Justin Sonnett khẳng định: “Đó là một phương pháp ít tốn kém hơn rất nhiều so với những chiếc máy khử muối truyền thống và hiệu năng nó mang lại cũng không hề nhỏ. Ngoài ra, nó còn rất thân thiện với môi trường, việc ô nhiễm bởi chất thải của năng lượng hóa thạch sẽ không xảy ra. Đồng thời, chúng ta cũng không lo sợ việc thiếu năng lượng ở vùng ven biển để dùng cho SAROS hoạt động”. 

Trong quá trình thử nghiệm, SAROS có thể lọc được khoảng 2.000 lít nước biển thành nước ngọt mỗi ngày, có tuổi thọ lên tới 10 năm và chi phí chỉ mất khoảng 23.000 USD. Nhưng trong tương lai, 2 chàng cựu sinh viên ĐH Bắc California sẽ tập trung vào sản xuất nước tập trung, lắp đặt ở những nơi cần sự phát triển bền vững. Trước mắt, Justin và Chris cho lắp đặt hệ thống SAROS của mình tại một số khu vực thuộc bang California nhằm cung cấp nguồn nước sạch cho người dân. Sau đó, 2 nhà khoa học trẻ hy vọng dự án của họ sẽ được đầu tư để xây dựng một nhà máy khử nước biển quy mô lớn với công suất lên tới 50 triệu lít mỗi ngày.

SAROS của Justin và Chris đã lọt vào top 30 dự án tiềm năng trong số 3.600 dự án tham gia tại Hội nghị “Chào ngày mai” (Hello Tomorrow Conference 2015) mùa hè vừa qua ở Thủ đô Paris (Pháp). Nhưng vấn đề trở ngại đối với 2 nhà khoa học trẻ chính là nguồn vốn đầu tư vì họ cho rằng, khó có khả năng kiếm lời từ dự án này bởi đây là một dự án hướng tới cộng đồng dân cư nghèo ở những quốc gia đang và kém phát triển, thậm chí ở những khu vực hải đảo xa xôi. “Chúng tôi thực sự khó khăn để thuyết phục và lấy niềm tin từ các nhà đầu tư”, Justin Sonnett cho biết.

Nhưng dù sao đi nữa, lợi ích mà 2 chàng cựu sinh viên hứa hẹn mang lại cho cộng đồng sẽ không hề nhỏ khi hàng ngày trên thế giới có khoảng hơn 10% dân số đang thiếu nước sạch. Hy vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều nhà đầu tư cùng 2 chàng cựu sinh viên sẽ thực hiện dự án này vì người nghèo. Đặc biệt, dự án này cũng có thể là một trong những gợi ý cho những giải pháp về biến đổi khí hậu toàn cầu mà tất cả mọi người đang quan tâm, trong đó có các quan chức của Hội nghị Chống biến đổi khí hậu - COP 21 tại Paris (Pháp), dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 30-11.