Dự án ách tắc vì quản lý lỏng lẻo

ANTĐ - Dự án xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã kéo dài 9 năm vẫn chưa xong khâu GPMB. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do một số cơ quan, đơn vị trong phạm vi GPMB dự án đã buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều vi phạm trên đất công.

Dự án đầu tư xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) nằm trong khu vực quy hoạch chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây được phê duyệt từ năm 1997. Từ năm 1998, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quy định nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng đất đai trong khu vực chuỗi đô thị dưới bất kỳ hình thức nào, việc lấn chiếm đất đai trong vùng quy hoạch phải được xử lý kịp thời theo pháp luật...

Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch chi tiết, chưa tổ chức cắm mốc quy hoạch và việc quản lý về đất đai, quản lý trật tự xây dựng của chính quyền địa phương và Nông trường 1A (chủ sử dụng đất) trong các năm trước đây còn nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ và chưa có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp vi phạm, nên việc mua bán, chuyển nhượng, chia tách đất nhận giao khoán và xây dựng nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân đã diễn ra trên đất thuộc Nông trường 1A được giao quản lý. Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đã kết luận: "Công tác quản lý đất đai lỏng lẻo, tình trạng mua bán, lấn chiếm, xây dựng trái phép diễn ra phổ biến". Cùng với đó, tài liệu sử dụng làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ còn thiếu cơ sở pháp lý, quy định hỗ trợ về đất chưa phù hợp với quy định của Chính phủ... gây thiệt hại cho Nhà nước.

Hiện nay, sau gần 9 năm kể từ khi dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được khởi công, công tác GPMB trên địa bàn huyện Thạch Thất vẫn chưa hoàn thành vì những vướng mắc phát sinh do các vi phạm nêu trên. Theo liên ngành TP Hà Nội, các vướng mắc này thuộc về cơ chế, chính sách cũng như thời điểm xác định việc sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất để áp dụng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng tốc GPMB dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, TP Hà Nội cho rằng, phải tháo gỡ được các nút thắt nói trên.

Cụ thể, do toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi thực hiện dự án thuộc quyền quản lý của Nông trường 1A đã được nông trường này giao khoán đất sản xuất nông, lâm nghiệp và tạm giao đất làm nhà ở cho các tổ chức, gia đình, cá nhân sử dụng, hoặc các hộ tự sử dụng và hiện nay các hộ gia đình không có giấy tờ pháp lý về sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nên không được bồi thường về đất. TP Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội hỗ trợ về đất cho các hộ gia đình để di chuyển GPMB. Mức hỗ trợ sẽ do UBND TP quyết định theo quy định.

Cũng theo liên ngành TP, thực tế, có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, làm nhà ở ổn định từ trước thời điểm có quyết định thu hồi đất (ngày 15-7-2003). Do đó, TP đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội được thực hiện một số chính sách đặc thù để thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất còn lại của dự án. Nguyên tắc đầu tiên được đặt ra là phải hạn chế thấp nhất chênh lệch (giảm) so với mức hỗ trợ đã áp dụng trước đây tại dự án. Đồng thời, đảm bảo phù hợp mặt bằng chính sách đang áp dụng trên địa bàn thành phố để chăm lo, ổn định đời sống cho người đang sử dụng đất.

Đặc biệt, các trường hợp là cán bộ công nhân viên của Nông trường 1A, được giao đất sản xuất nông, lâm nghiệp trong đó có một phần đất ở (giao trái thẩm quyền), đã làm nhà ở ổn định không có tranh chấp trước thời điểm thu hồi đất... sẽ được xem xét hỗ trợ về đất (mức hỗ trợ về đất tối đa bằng giá đất ở và không vượt quá diện tích được giao) và tài sản trên đất (mức hỗ trợ tài sản tối đa bằng đơn giá xây dựng mới). Phần diện tích đất nông, lâm nghiệp giao khoán được nhận hỗ trợ không vượt quá 50% giá đất được giao cùng loại với diện tích tối đa không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định.

Các trường hợp sừ dụng đất làm nhà ở khác (mua bán, cho tặng của các trường hợp được Nông trường 1A giao đất; tự sử dụng) cũng được xem xét hỗ trợ về đất (30-50% theo giá đất ở; tổng diện tích hỗ trợ cho các hộ không vượt quá diện tích được giao ban đầu) và tài sản trên đất (10-80%). Phần diện tích đất nông, lâm nghiệp đang sử dụng được hỗ trợ 10-30% giá đất cùng loại với diện tích tối đa không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp. Trường hợp gia đình, cá nhân đang ăn ở tại nơi thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất, sẽ được xem xét giao đất tái định cư với chính sách phù hợp với nguồn gốc sử dụng nhà, đất.