Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (2): Loại bỏ tục đốt vàng mã là vô cùng cần thiết

ANTD.VN - Không phải đến bây giờ, câu chuyện về tục đốt vàng mã mới được khơi ra mà từ bao nhiêu năm nay, tục này đã gây nhiều tranh cãi khi trở thành thói quen hằn sâu vào lối nghĩ của rất nhiều người. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn công khai làm và bày bán, vàng mã vẫn được đốt tràn lan từ nhà ra đến đường, rồi “hóa” ở cả các cơ sở thờ tự Phật giáo. 

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (2): Loại bỏ tục đốt vàng mã là vô cùng cần thiết ảnh 1Thay đổi nhận thức của người dân là vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu hiện tượng đốt vàng mã

Để thay đổi thói quen đốt vàng mã rõ ràng không phải việc ngày một ngày hai, nhưng không có nghĩa khó thì “bó tay”. Với mong muốn góp phần cải thiện thực trạng trên, mới đây Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn số 31 đề nghị các chư tôn đức tăng ni bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo (chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường…).

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để hiểu rõ thêm về việc này. 

- PV: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn người dân thực hành tín ngưỡng văn minh khi đến các nơi thờ tự, song trên thực tế vẫn khó kiểm soát được tục đốt vàng mã. Sự ra đời của Công văn số 31 có ý nghĩa như thế nào giữa thời điểm này, thưa Hòa thượng?

- Hòa thượng Thích Gia Quang: Đúng là Công văn vừa qua không phải là Công văn đầu tiên được Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành. Thực ra, việc đẩy lui hiện tượng đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện ngay từ khi mới thành lập. Tuy nhiên cho đến nay, thói quen cũng như quan niệm của người dân về tục đốt vàng mã không có xu hướng thuyên giảm mà trái lại, còn được nhân rộng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Cùng với đó, quan niệm “trần sao âm vậy” càng làm cho người dân khó bỏ thói quen này. Công văn số 31 được ra đời nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, loại bỏ hình thức đốt vàng mã và các hình thức mê tín dị đoan tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

- Theo Hòa thượng, Công văn sẽ đi vào đời sống bắt đầu từ đâu và như thế nào?

- Công văn số 31 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời chắc chắn sẽ làm người dân cảm thấy yên tâm khi trong lễ vật dâng lên cúng Phật thánh, không có vàng mã. Bởi một giáo hội uy tín như Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Công văn nghĩa là chúng tôi đã nghiên cứu giáo lý nhà Phật, đã suy xét đủ bề mới quyết định đưa ra khuyến nghị như vậy.

Theo tôi được biết, việc đốt vàng mã vẫn diễn ra ở một số chùa, còn phần lớn chùa chiền đều không nhận vàng mã, không cho đốt vàng mã. Người ta đốt vàng mã chủ yếu ở các cơ sở đền, miếu mạo. Nhà chùa là những nơi hiểu về giáo lý nhà Phật nên hầu hết các sư đều tự tâm thực hành điều này.  

- Dù các chùa đã quán triệt tinh thần của giáo lý nhà Phật, nhưng theo quan sát thì ở hầu hết các chùa còn xây cả lò đốt vàng mã ở phía sau. Điều này liệu có phù hợp không, thưa Hòa thượng?

- Nhà chùa thì không đốt vàng mã. Nhưng Phật giáo Việt Nam có tính quy nạp, tức là trong chùa còn có đình, đền hoặc nơi thờ Mẫu. Ở những cơ sở tín ngưỡng này, vàng mã thường xuyên được “hóa” và vì thế, nhiều người lầm tưởng, các sư có nhận và khuyến khích đốt vàng mã. 

- Hòa thượng có tin rằng, việc đốt vàng mã của người dân sẽ được giảm thiểu cùng với khuyến nghị vừa qua của Giáo hội Phật giáo Việt Nam? 

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ có thể khuyến nghị loại bỏ hiện tượng đốt vàng mã tại các chùa. Còn vượt ra ngoài phạm vi này lại là câu chuyện khác. Nhưng theo tôi, việc thay đổi nhận thức của người dân là vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu hiện tượng đốt vàng mã, tiến tới loại bỏ hoàn toàn. Người dân sẽ tự nguyện hành động theo chủ trương của nhà Phật khi họ thực sự hiểu việc mình đang làm có thực sự có giá trị đối với đời sống tâm linh. 

- Dù đã có khuyến nghị từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều người cảm thấy băn khoăn chưa đủ nếu trong sính lễ cung tiến mà không có vàng mã. Hòa thượng có lời khuyên nào dành cho họ không?

- Trong giáo lý nhà Phật, vàng mã không có ý nghĩa nào cả. Bởi nếu giải thích theo góc độ này thì khi con người chết đi, họ chuyển sang một kiếp khác, sống và thực hành các hoạt động theo đời sống mới. Vậy chúng ta đốt vàng mã cho họ, thì họ cũng không dùng được, không tiêu được. Vì thế, quan niệm “trần sao âm vậy” chỉ mang ý nghĩa tình cảm của con người đang sống.

Còn mặt hạn chế của đốt vàng mã thì ai cũng nhìn thấy. Đó là việc lãng phí tiền của, hủy hoại môi trường, môi sinh, thậm chí dẫn tới những vụ hỏa hoạn gây nguy hiểm tới tính mạng của nhiều người. Vì thế, việc tiến tới loại bỏ tập tục đốt vàng mã là vô cùng cần thiết. Song để làm được điều này cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành văn hóa cũng như giới tu hành trong việc tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hành tín ngưỡng văn minh. 

- Bây giờ đang là dịp đầu năm và gần đến ngày Rằm tháng Giêng, lễ dâng sao giải hạn cũng đang được các chùa thực hiện. Đây có thể coi là dịp để Công văn số 31 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy được vai trò của mình, trong đó khuyến khích người dân không dâng lễ có vàng mã, thưa Hòa thượng?

- Sau Công văn 31, tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo, các chùa được quán triệt thực hiện chủ trương không nhận lễ có vàng mã trong dịp cúng dâng sao giải hạn, vì thế hy vọng có thể hạn chế được việc đốt vàng mã vào dịp này.

Bản chất của lễ dâng sao giải hạn là lễ cầu an. Cuộc đời con người luôn biến động, lúc hanh thông, lúc rủi ro và những điều này là không thể tránh được. Nhưng nhiều người cầu toàn, muốn giảm thiểu độ rủi ro ấy xuống mới làm lễ cầu an bình, mọi sự tốt đẹp. Nếu có làm, người dân dịp này nên đến với cửa Phật bằng tấm lòng, mâm cao cỗ đầy không quan trọng bằng một cái tâm thanh tịnh. Vì thế, nếu có thêm vàng mã lại càng không cần thiết. 

- Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (2): Loại bỏ tục đốt vàng mã là vô cùng cần thiết ảnh 2

“Trong giáo lý nhà Phật, vàng mã không có ý nghĩa nào cả. Bởi nếu giải thích theo góc độ này thì khi con người chết đi, họ chuyển sang một kiếp khác, sống và thực hành các hoạt động theo đời sống mới. Vậy chúng ta đốt vàng mã cho họ, thì họ cũng không dùng được, không tiêu được. Vì thế, quan niệm “trần sao âm vậy” chỉ mang ý nghĩa tình cảm của con người đang sống”.

Hòa thượng Thích Gia Quang (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

(Còn nữa)