Đốt pháo trong đám cưới bị xử lý hình sự: Vui một giây, hại cả đời

ANTD.VN -Mặc dù Nhà nước ta đã nghiêm cấm việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ, song thời gian qua tại các địa phương liên tiếp xảy ra các vụ người dân ngang nhiên đốt pháo trong dịp Tết, trong đám cưới, trong sân vận động. Điều này đã gây nguy hiểm không nhỏ cho sức khỏe, tính mạng nhiều người, ảnh hưởng xấu đến ANTT tại nhiều địa bàn…

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, liên quan đến vụ đốt pháo mừng đám cưới xảy ra ngày 1-3 trên địa bàn xã Phù Lỗ, chiều 4-3, CAH Sóc Sơn, TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, thực hiện quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Khang (trú tại khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Hiện, CAH Sóc Sơn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ và thi hành lệnh bắt giữ các đối tượng liên quan khác trong vụ việc nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối tượng Trần Văn Khang đã bị tạm giữ hình sự

Trước đó, tại Nghệ An, CAH Tân Kỳ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Hồng (SN 1974, trú tại thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ) về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán, đối tượng này đã cầm 1 quả pháo cuốn tự chế, dùng bật lửa gas châm ngòi nổ rồi vứt ra khu vực quốc lộ 48E thuộc địa phận khối 5, thị trấn Tân Kỳ - nơi đang có khá nhiều người dân tập trung khiến không ít người hoảng sợ.

Cũng tại Hà Nội, cuối tháng 9/2019, cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với Vũ Trung Trực (sinh năm 1984, trú tại xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, Nam Định) về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Trước đó, đối tượng này đã mang 2 quả pháo dù, 18 quả pháo sáng mua qua mạng đi từ Nam Định ra Hà Nội để cổ vũ trận bóng đá giữa CLB Hà Nội và CLB Nam Định. Tại sân vận động Hàng Đẫy, Trực đã đốt pháo bay thẳng sang phía khán đài A gây thương tích cho một nữ cổ động viên, khiến người này phải nhập viện.

Liên quan đến chế tài xử lý các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép pháo sáng, pháo nổ, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Về Tội gây rối trật tự công cộng, Điều 318 BLHS 2015 quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp: Có tổ chức, Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Ngoài ra, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ 1 năm đến tù chung thân theo quy định tại Điều 305 BLHS 2015 sửa đổi.