"Đột phá" trong phong cách tóc muối tiêu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

ANTD.VN - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được biết đến là một nhà lãnh đạo có nhiều đột phá, thậm chí phá vỡ các quy tắc trong chính trị nước này. Một trong những động thái táo bạo nhất rất dễ nhận ra gần đây là ông để tóc bạc, bất chấp mái tóc đen truyền thống như các nhà lãnh đạo tiền bối khác.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường để tóc đen, thậm chí đen bất thường, một vẻ ngoài tượng trưng cho sự đoàn kết và trẻ trung. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình, năm nay 65 tuổi, dường như tỏ ra vô tư khi ông thể hiện mình là một nhà lãnh đạo đã luống tuổi và thân thiện, có lẽ một phần để làm dịu đi hình ảnh một nhà lãnh đạo với các chính sách rất cứng rắn.

"Đột phá" trong phong cách tóc muối tiêu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13, ngày 7-3-2019

Không còn cảm thấy ngại là chính mình

Tại kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13 diễn ra trong tuần vừa rồi, những vệt bạc trên tóc của Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây ấn tượng với các đại biểu và công chúng. “Ông ấy rất khiêm tốn, không còn thấy ngại là chính mình”, Gu Yan (47 tuổi), nhân viên của một công ty công nghệ ở phía Đông TP Hạ Môn nói.

Từ lâu ông Tập Cận Bình luôn chứng tỏ hình ảnh là “một nhà lãnh đạo của nhân dân”. Ông thường mặc một chiếc áo gió màu xanh nước biển, có khóa kéo thể hiện sự khiêm nhường khi mở chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn. Mái tóc muối tiêu của ông càng củng cố thêm hình ảnh đó. “Mái tóc muối tiêu của ông Tập Cận Bình thể hiện hình ảnh của một cán bộ không cần phải cứng nhắc, phải nhuộm tóc và ăn mặc đúng khuôn mẫu. Đó là hình ảnh ngày càng dễ gần và bớt đi tính quan cách về mặt thẩm mỹ”, ông Julian Gewirtz, một học giả nghiên cứu về lịch sử và chính trị Trung Quốc tại trường Đại học Harvard (Mỹ) nói.

Khi ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012, mái tóc của ông vẫn còn đen. Nhưng kể từ sau khi ông phải đối đầu với nhiều vấn đề phức tạp như nền kinh tế chững lại, tranh cãi ngoại giao liên quan đến Biển Đông hay chiến tranh thương mại với Mỹ, thì mái tóc của ông ngày càng bạc nhiều hơn.

Năm 2016, một đại biểu tham dự Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã lên tiếng về mái tóc hoa râm ngày càng thấy rõ của ông Tập Cận Bình. “Đất nước ta quả là rất rộng lớn. Ngài Chủ tịch cần phải quản lý tất cả mọi thứ, và điều đó hẳn là rất khó khăn”,  vị đại biểu tên Zhu Xueqin cho biết.

“Phong cách mới” của quan chức Trung Quốc

Trước đây, những năm cuối đời, các cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều để tóc bạc. Nhưng sau đó, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy mô hình “tập thể lãnh đạo”, những mái tóc đen hoàn hảo đã trở nên phổ biến trong hàng ngũ quan chức. Ở khía cạnh khác, màu tóc còn được xem là biểu tượng của địa vị trong đảng. Zhang Jiehai, một nhà xã hội học tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho rằng trước đây các quan chức Trung Quốc nhuộm tóc để giấu đi tình trạng sức khỏe và tạo nên một hình ảnh trẻ trung hơn, nhưng độ tuổi của các quan chức Trung Quốc ngày càng trẻ hóa, và xã hội cũng có tư duy cởi mở hơn trước. “Các nhà lãnh đạo không cần phải giấu đi mái tóc hoa râm của mình nữa. Điều đó đã trở thành chuyện tự nhiên”, ông Zhang Jiehai nói.

Hiện nay rất nhiều quan chức cấp cao cũng đã noi gương ông Tập: Ít nhất 7 thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc - hội đồng 25 thành viên cấp cao nhất của Đảng Cộng sản cũng đã để tóc bạc tự nhiên; trong đó có Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Ngoại trưởng Vương Nghị. 

Nếu như tóc bạc bị coi là điều không mong muốn tại nhiều quốc gia trên thế giới (ví dụ như Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tự hào tuyên bố rằng “Tôi không có tóc bạc”), thì tại Trung Quốc, tóc bạc lại được coi là dấu hiệu của sự thông thái. Jiang            Zhirong, một chủ hiệu cắt tóc tại Bắc Kinh khẳng định: “Cho dù ông Tập Cận Bình có nhuộm tóc hay không, thì ông ấy vẫn có phong cách tuyệt vời”.

“Mái tóc muối tiêu của ông Tập Cận Bình thể hiện hình ảnh của một cán bộ không cần phải cứng nhắc, phải nhuộm tóc và ăn mặc đúng khuôn mẫu. Đó là hình ảnh ngày càng dễ gần và bớt đi tính quan cách về mặt thẩm mỹ”. 

Ông Julian Gewirtz(Học giả nghiên cứu về lịch sử và chính trị Trung Quốc tại trường Đại học Harvard, Mỹ)