Đột phá trong lĩnh vực OTT, hình thành một "xã hội" trên di động

ANTĐ - Khoảng 5 năm trở về trước nếu đặt câu hỏi thế lực truyền thông nào đang “sếp sòng” trong nền tảng di động thì câu trả lời dễ dàng đoán được ngay là: Các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone. Nhưng trong khoảng 4 năm trở lại đây câu trả lời không còn đơn giản khi các ứng dụng OTT dần tràn ngập thị trường Việt Nam như Viber, LINE, KakaoTalk, Zalo…

Nền tảng mới…

Có thể tạm chia ra rằng thời kì của nhà mạng viễn thông là ở giai đoạn mà các thuê bao có thể sử dụng dịch vụ thoại, tin nhắn SMS, MMS và sau này khi 3G chính thức khai trương tại Việt Nam từ năm 2010 thì thêm dịch vụ Video Call hay một số dịch vụ giá trị gia tăng khác. Song nhìn chung, đây là một nền tảng di động cũ, chủ yếu là thoại và nhắn tin, gọi-đáp hay giao tiếp trên SMS không có nhiều tính tương tác sẻ chia, trên thực tế nếu có thì cũng kéo theo chi phí khá tốn kém.

Đột phá trong lĩnh vực OTT, hình thành một "xã hội" trên di động ảnh 1

Tra cứu dịch vụ hành chính công trên Zalo

Nền tảng di động mới là các ứng dụng OTT trên mobile gắn với thời đại smartphone bùng nổ. Cuộc chiến khốc liệt từ đầu năm 2012 đến đỉnh điểm 2013 và ngã ngũ vào năm 2014 cũng đồng thời thiết lập một thị trường nền tảng giao tiếp di động với những cái tên hàng đầu như Zalo, Viber, LINE, KakaoTalk…

Với Wifi hoặc 3G, người dùng thoải mái giao tiếp, tương tác trên các ứng dụng di động mà không hề tốn phí. Nếu Viber chỉ chú trọng đến khía cạnh viễn thông, thì LINE, Zalo lại một mạng xã hội trên nền di động qua thiết bị smartphone. Người dùng không chỉ nhắn tin SMS, mà còn có thể nhắn tin âm thanh, thoại có hình, gửi cho nhau ảnh, clip, thảo luận với nhau một chủ đề...

Cũng trên nền tảng di động đó, các dịch vụ tiện ích công, hỗ trợ cho việc quản lí của các cơ quan nhà nước được tích hợp như tra cứu thông tin về điểm thi, lịch trình xe bus, tra cứu trạng thái hồ sơ nộp tại các cơ quan, các số hotline để người dân liên hệ..., và sắp tới là dịch vụ thiết thực sát sườn đối với đời sống dân sinh như lịch cắt điện, lịch cắt nước, lịch tiếp dân, thông tin bão lũ, lịch tiêm chủng, thông tin về thuốc, về các bênh thường gặp..., thậm chí cả dịch vụ mua sắm và thanh toán qua di động cũng đã được triển khai trên các ứng dụng tài chính cũng sẽ được tích hợp vào các OTT truyền thông mà Zalo được kì vọng là một OTT Việt sẽ đi đầu trong hướng này.

…và thế lực truyền thông mới

Khoảng hai năm về trước có hai nỗi lo sợ ngược chiều nhau cùng xuất hiện trên thị trường viễn thông-truyền thông di động tại Việt Nam.

Nỗi lo sợ thứ nhất là nhà mạng e bị mất doanh thu vì các OTT truyền thông. Thậm chí trong các cuộc hội thảo, nhà mạng cho rằng họ mất doanh thu từ SMS vì các thuê bao quay sang sử dụng dịch vụ miễn phí của Facebook/Facebook Messenger, Zalo, Viber, LINE, KakaoTalk… Điều này đã trở thành hiện thực. Các nhà mạng bị “lõm thu” từ 5-10%.

Nỗi lo sợ thứ hai là các OTT truyền thông e rằng nhà mạng “tức khí” quay ra bóp băng thông của họ để bảo vệ nguồn thu. Điều này, một thời tranh luận nhưng cũng chưa có OTT nào đưa ra được chứng cứ xác thực. Chỉ biết rằng, sau hơn ba năm, OTT Việt Zalo đã “bình định” xong thị trường và tổng lượng người dùng đến nay đã cán mốc 40 triệu. Trên nền tảng truyền thông di động mới, Zalo đang trở thành một thế lực thực sự. Bởi tính từ tháng 8/2012 khi OTT này chính thức ra mắt, cái đích của họ là người dùng cá nhân. Nhưng từ năm 2014, Zalo hướng dần đến doanh nghiệp, sau này là tổ chức Công - việc mà Viber không thấy làm ở Việt Nam, còn LINE và KakaoTalk lo cho sự tồn vong còn chưa xong lấy đâu tâm trí để định chiến lược hướng đến doanh nghiệp.

Đột phá trong lĩnh vực OTT, hình thành một "xã hội" trên di động ảnh 2

Dễ dàng tìm thấy nhiều cửa hàng trực tuyến trên Zalo

Như vậy, từ một công cụ/ứng dụng truyền thông di động cá nhân bây giờ Zalo đã đặt dấu ấn ở kênh truyền thông thứ hai là tổ chức doanh nghiệp cả lớn cũng như vừa và nhỏ, phục vụ cho chăm sóc khách hàng và thương mại, kinh doanh. Đơn cử, chiến dịch hợp tác giữa Zalo với mạng mua sắm trực tuyến Lazada.vn, với việc quảng bá Lazada.vn qua tin nhắn Zalo, sau 6 tháng đầu năm 2015 đã giúp cho tỉ lệ chuyển đổi sang mua hàng tăng 35%, hơn 50% doanh thu Lazada đến từ di động, và giá trị trung bình của 1 đơn hàng lên đến 7.1 triệu đồng.

Hay trường hợp Vietjet triển khai việc thông báo thay đổi lịch bay, thời gian bay bằng tin nhắn cho người sử dụng ứng dụng Zalo. Theo đó, hệ thống sẽ gửi tin Zalo và kiểm tra tình trạng tin nhắn sau 5 phút. Nếu tin nhắn Zalo chưa được đọc, tin SMS sẽ được phát đi. Thời gian tới, một hãng hàng không khác là Jetstar cũng triển khai dịch vụ tương tự Vietjet. Còn trước đó, thời điểm McDonald’s bắt đầu vào Việt Nam, Zalo cũng là công cụ truyền thông di động mà đại gia thức ăn nhanh muốn quảng bá đến lớp khách hàng trẻ mục tiêu.

Ngoài ra, thử dạo một vòng trên Zalo, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm “cửa hàng” trực tuyến với đa dạng mặt hàng từ thời trang đến mỹ phẩm rồi trang trí nội thất, kim cương, đá quý, sửa chữa máy móc,… Nói chung là “thượng vàng hạ cám” gì cũng có. Một cộng đồng Zalo tấp nập thuận mua – vừa bán.

Và mới đây, Zalo tiếp tục khẳng định mình như một công cụ hữu dụng cho các tổ chức Công, các cơ quan chính quyền. Đà Nẵng đã cho phép người dân dùng Zalo để tra cứu các thông tin hành chính như tình trạng xử lí hồ sơ, lịch trình xe buýt... Đây có thể xem là một bước tiến lớn của Đà Nẵng và là bước ngoặc đặc biệt với Zalo khi đã tạo ra một tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam. Cơ quan truyền thông của chính phủ và Bộ Y tế cũng đã có mặt trên OTT này. Tổng công ty Điện lực Tp.HCM cũng đã cho phép người dân đăng ký nhận thông tin qua Zalo. Bản thân Zalo cũng đã lên kế hoạch và sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án Chính quyền điện tử mà cụ thể như việc tra cứu thông tin về bệnh viện, khai báo thuế, đăng kí hộ tịch như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, visa, tạm trú tạm vắng, cấp quyền sử dụng đất, kiểm tra tình trạng giao thông…

Zalo đã không còn một công cụ tương tác cá nhân, mà hiện trở thành một “xã hội” trên di động.