Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục:

Đột phá thi cử để dạy thêm không còn là gánh nặng

ANTĐ - Với chủ đề đang được dư luận quan tâm: “Đột phá trong thi cử, khắc phục tình trạng dạy thêm - học thêm”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đã có buổi tọa đàm trực tuyến ngày 4-12, trả lời những băn khoăn của người dân. 
Đột phá thi cử để dạy thêm không còn là gánh nặng ảnh 1
Đổi mới thi cử theo mục tiêu giảm tải áp lực cho học sinh

- PV: Theo đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì sau năm 2015, ngành giáo dục sẽ giảm mạnh đầu môn học, mỗi học kỳ không quá 8 môn. Vậy điều này có tác động thế nào với tình trạng học  thêm, dạy thêm tràn lan hiện nay?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Hiện nay, hiện tượng dạy thêm tràn lan một phần bắt nguồn từ chương trình. Chương trình bắt học sinh học nhiều, có kiểm tra, đánh giá nhưng không thiết thực. Chương trình mới sẽ bảo đảm không cào bằng, có phần tự chọn phù hợp với năng lực người học. Như vậy áp lực học sẽ giảm, đồng thời cũng giảm học thêm. Việc ra đề thi mở, học sinh được tham khảo tài liệu… cũng khiến dạy thêm ít đất làm ăn hơn. Chúng ta không đặt cả tương lai học sinh vào 1 kỳ thi mà rải ra nên áp lực giảm đi. Khi bản thân người học cũng không có nhu cầu học thêm thì người dạy cũng không thể bắt ép được học sinh học thêm.

- Nhiều thầy cô cho biết, thời lượng học chính khóa trên lớp quá ít, không đủ để củng cố kiến thức cho học sinh nên mới sinh ra việc  phải dạy thêm. Điều này có được khắc phục với chương trình mới?

- Đó cũng là một lý do. Chính vì vậy, trong hướng đổi mới sắp tới, chúng ta sẽ tăng giờ học theo cách tự nguyện. Gia đình, nhà trường có điều kiện thì tăng số giờ tự học có hướng dẫn của giáo viên.

- Có đề xuất nên làm điều tra xã hội học về tình trạng dạy thêm, học thêm trong các trường học, từ đó có biện pháp xử lý cụ thể. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?

- Đó là một cách tìm hiểu, ngoài ra còn thông qua công tác quản lý, báo cáo, thanh tra, kiểm tra để nắm bắt được thực trạng dạy thêm, học thêm. Chung quy, chúng ta vẫn khẳng định đó là gánh nặng của nhiều gia đình, học sinh, là nơi xuất phát nhiều tiêu cực. Để thay đổi, chúng ta không chỉ cần đổi mới sách giáo khoa, chương trình học mà đổi mới cả công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm, nâng cao ý thức đạo đức nhà giáo. Điều này còn phụ thuộc cả vào phụ huynh. Nếu các vị phụ huynh kỳ vọng ít đi mà kỳ công nhiều hơn trong việc hỗ trợ con cái học tập thì sẽ giảm đáng kể sức ép học thêm.

- Dạy thêm, học thêm cũng xuất phát từ thực tế thu nhập của giáo viên còn thấp. Điều này có được tính đến trong Đề án?

- Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục sẽ được hưởng thang bậc lương cao nhất trong bậc lương của khối hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó giáo viên còn có phụ cấp nghề nghiệp. Ngoài ra còn dựa trên thực lực, cống hiến của từng giáo viên để có những đánh giá, ghi nhận, đãi ngộ cụ thể. Với giáo viên trẻ, ngành sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ được làm việc, học tập và cống hiến.

- Trong Đề án thì việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử được cho là khâu đột phá, vậy Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Sắp tới việc kiểm tra, đánh giá sẽ hướng tới mục tiêu kiểm tra học sinh học được cái gì, vận dụng được điều gì? Chúng ta không chỉ kiểm tra kết quả học tập như thế nào mà phải kiểm tra cả quá trình  hướng tới việc người học tự điều chỉnh cách học. Giải pháp đổi mới kiểm tra được đánh giá là ít tốn kém. Nó đơn giản, nhìn trước được hiệu quả. Ngoài ra, đề án còn nhiều giải pháp căn bản như nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục, nhưng tất cả đều cần bền bỉ, lâu dài và phải đầu tư nhiều hơn.

PGS Văn Như Cương cho biết, ông rất băn khoăn về giải pháp đột phá đổi mới giáo dục. “Bộ GD-ĐT xác định kiểm tra đánh giá thi cử là một khâu đột phá nhưng gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nói quản lý là đột phá. Đâu đó nói: bồi dưỡng giáo viên là đột phá. Tôi cho là đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử là quan trọng, nhưng không kỳ vọng đột phá đó sẽ lay chuyển toàn bộ hệ thống. Nếu chương trình toàn học các thứ vô bổ mà 70% đạt yêu cầu thì vẫn thất bại. Đột phá phải ở việc ta dạy học trò cái gì, học trò học như thế nào, áp dụng trong cuộc sống ra sao? Nếu không làm tốt khâu đó, ta không thay đổi được giáo dục”.