Công an Hà Nội thực hiện thông tư 12 của bộ công an:

Đột phá cải cách hành chính từ CSKV

ANTĐ - “Việc hướng dẫn người dân làm thủ tục sang tên ô tô, xe máy vừa giúp cho công tác quản lý xe chặt chẽ theo quy định, đồng thời cũng là dịp để CSKV, CAPT xã, CAX làm việc tốt phục vụ nhân dân”. Tinh thần chỉ đạo của Giám đốc CATP về việc thực hiện Thông tư số 12 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe đã và đang được triển khai tích cực ở công an tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội...


Bác Đỗ Đình Ái (61 tuổi) phấn khởi khi được CSKV CAP Văn Chương (quận Đống Đa) 
hướng dẫn thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe

Ý nghĩa thiết thực

Để thực hiện hiệu quả Thông tư số 12 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho Phòng Cảnh sát  QLHC về TTXH - CATP Hà Nội tổ chức lựa chọn, tổ chức triển khai thí điểm ở Công an 3 phường Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng), Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Văn Chương (quận Đống Đa). 

Theo đó, chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH dẫn đầu đoàn công tác của CATP đã xuống cơ sở tập huấn, hướng dẫn lực lượng CSKV Công an 3 phường trực tiếp đến thăm hỏi từng hộ dân; qua đó khảo sát, phát mẫu “Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe” và hướng dẫn công dân có nhu cầu đăng ký sang tên, di chuyển xe kê khai, mang về trụ sở CAP xác nhận và đến hộ dân trả kết quả vào ngày hôm sau. 

Thực hiện quyết liệt tinh thần chỉ đạo của Giám đốc CATP, qua 10 ngày triển khai Thông tư 12 của Bộ Công an, 100% các trường hợp được kiểm tra hướng dẫn và có nhu cầu cần sang tên di chuyển đều được Công an các phường làm điểm xác nhận, trả kết quả theo qui định. 

Trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn ở 3 đơn vị CAP làm điểm, Giám đốc CATP yêu cầu Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH tiếp tục ra văn bản hướng dẫn lực lượng CSKV, CAPTX và CAX trên toàn thành phố tổ chức rà soát, nắm tình hình công dân có nhu cầu đăng ký sang tên, di chuyển xe để tiến hành điều tra cơ bản số lượng xe ô tô, xe máy các hộ đang sử dụng. 

Đối với trường hợp người có hộ khẩu thường trú trong khu vực nhưng thường xuyên ở nơi khác (KT2 đi) nếu không gặp ngay được CSKV, Công an phường, xã, thị trấn phải giao cho đồng chí trực ban của đơn vị tiếp, ghi lại số điện thoại, trao đổi với CSKV liên hệ với người có nhu cầu, hẹn thời gian mang xe đến kiểm tra ký xác nhận, không để người dân phải đi lại nhiều lần. Các trường hợp nhân khẩu tạm trú trong khu vực (KT2 đến, KT3, KT4), nếu họ có nhu cầu xác nhận, CSKV, CAPTX, CAX hướng dẫn về CAP, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục để xác nhận.

Giữ đúng tác phong, lễ tiết 

Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu, quá trình thực hiện Thông tư 12, CSKV, CAPTX, CAX phải giữ đúng tác phong, lễ tiết theo Điều lệnh qui định; tuyệt đối không được nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời chú ý phát hiện các trường hợp có nghi vấn, giấy tờ bị tẩy xoá nghi giấy tờ giả, biển số giả, xe cầm đồ. Thông qua các chủ hộ trông giữ xe ở khu tập thể, các điểm trông xe công cộng để phát hiện những người thường xuyên thay đổi xe, đi xe tỉnh ngoài nhưng không làm thủ tục có nghi vấn phải báo cáo ngay về công an quận, huyện, thị xã để phối hợp làm rõ. Thượng tá Phạm Văn Phấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã in 1.500 tờ khai đăng ký sang tên, di chuyển xe và gần 1 triệu tài liệu “Trích một số nội dung cần lưu ý về đăng ký xe” để CSKV phát đến từng hộ dân và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các phường, xã phục vụ việc sang tên, di chuyển xe của công dân. 

Đột phá cải cách hành chính trong việc hướng dẫn người dân làm thủ tục sang tên ô tô, xe máy chính chủ không chỉ giúp cho công tác quản lý xe chặt chẽ theo qui định, phát hiện các trường hợp có nghi vấn, đồng thời là dịp để CSKV, CAPTX, CAX khẳng định tinh thần vì dân phục vụ, tạo hình ảnh đẹp, thân thiện với nhân dân, được đông đảo người dân đánh giá cao.  

Ông Ngọ Duy Hiểu - Bí thư huyện ủy Phúc Thọ: “Thông tư 12 chia sẻ khó khăn với người dân”

Người dân nói chung, đặc biệt là bà con vùng ngoại thành thường không nắm rõ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính nên thường phải đi lại nhiều lần, tốn thời gian để bổ sung hồ sơ. Thực tế đó cộng thêm việc phải chờ đợi, xếp hàng như trước đây đã khiến không ít người luôn có tâm lý nặng nề, “ngại” đến làm việc tại trụ sở cơ quan công quyền. Việc cấp đăng ký, sang tên đổi chủ tại cơ sở là chủ trương nhận được sự hoan nghênh của dư luận, góp phần thực hiện công tác cải cách hành chính với mục tiêu giảm bớt phiền hà, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để người dân được hưởng lợi từ chính sách. Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu từ thuế và xây dựng hình ảnh cán bộ công chức thân thiện, gần gũi với nhân dân thì việc áp dụng mô hình thí điểm sang tên đổi chủ tại cơ sở cũng là tiền đề để thời gian tới sẽ nhân rộng đến khắp các địa phương và áp dụng cho các lĩnh vực công tác khác.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm: “Sự vào cuộc trách nhiệm của cán bộ cơ sở”

Hơn 10 ngày triển khai “điểm” Thông tư 12 của Bộ Công an và hướng dẫn của CATP, toát lên ở phường Phúc Tân chúng tôi là khí thế “vào cuộc” trách nhiệm, sôi nổi và hết sức tận tụy của đội ngũ cán bộ cơ sở, sát cánh cùng lực lượng công an.  Tinh thần của Thông tư 12 đã được CAP tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường xây dựng văn bản quán triệt, đề nghị sự phối hợp của MTTQ, cấp ủy chi bộ khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận và cán bộ cơ sở. Qua thực hiện Thông tư 12, dư luận người dân rất phấn khởi, và mỗi người đã thể hiện ý thức tự giác chấp hành cao trong quá trình kê khai biểu mẫu cũng như hoàn thiện thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện. Thông tư 12 tuy chỉ là một quy định mới về thủ tục hành chính, nhưng việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc Thông tư, sự tận tụy của lực lượng công an đã khẳng định niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền và nhất là lực lượng công an”.