Đột phá ba điểm nghẽn

ANTĐ - Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 2, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 2 tháng đầu năm 2013 có những tín hiệu khả dĩ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 1,23% so với tháng trước và là mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt trên 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2012, xuất siêu khoảng 1,68 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8%. Chính phủ cũng nhìn nhận tình hình sản xuất kinh doanh vẫn hết sức khó khăn. Có thêm 8.600 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong khi chỉ có 8.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho năm 2013 là tăng trưởng cao hơn năm trước, nhưng lạm phát phải thấp hơn năm trước nên nhiệm vụ của 10 tháng còn lại hết sức khó khăn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, năm nay nền kinh tế tiếp tục đối mặt với ba điểm nghẽn là nợ xấu, tồn kho lớn và thị trường bất động sản đóng băng. Làm cách nào tạo được đột phá ba điểm nghẽn này? Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp như hạ lãi suất, có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng tín dụng cho sản xuất, tiêu dùng; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, dù yếu ớt và vẫn trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng, song năm 2013 là cơ hội để tái cơ cấu doanh nghiệp, lành mạnh hóa thị trường. Điều quan trọng sống còn là phải lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường. Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020, trong đó phân kỳ giai đoạn 2013-2015 ưu tiên tập trung ba lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, sau cái họa đều có cái phúc cho những doanh nghiệp biết nắm được thời cơ. Gói giải pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ tập trung vào khâu xử lý điểm nghẽn của tín dụng và tăng sức mua của thị trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến tồn kho bất động sản. Trong giải pháp về tín dụng áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm cho vay mới các doanh nghiệp có điều kiện tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp đang thực hiện các dự án hạ tầng, nhà ở xã hội và đang ngưng trệ do thiếu nguồn tín dụng. Đồng thời ngăn chặn xu hướng các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể do thiếu vốn lưu động, đặc biệt mở rộng tín dụng tiêu dùng, giảm lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay. Lúc này, những giải pháp hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp từ phía Nhà nước rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Tuy thế, yếu tố quan trọng nhất quyết định của mỗi doanh nghiệp là tự cứu mình, chủ động tái cấu trúc và có những giải pháp “vượt bão”.

Điểm sáng của nền kinh tế, nếu có đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chưa thật vững chắc; nếu có đó là sự hồi phục và hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp nhưng khá chậm chạp và còn trở ngại. Sự đột phá ba điểm nghẽn của nền kinh tế chỉ có thể tạo ra bằng sự quyết liệt hơn cả về chính sách, giải pháp và điều hành. Nền kinh tế đan xen thách thức và cơ hội cả vĩ mô và vi mô.