Đột kích xưởng sản xuất sữa giả trị giá hơn 14 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương vừa triệt xoá thành công chuyên án sản xuất sữa giả quy mô lớn; tạm giữ 8 đối tượng để điều tra về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm".
Cơ quan chức năng khám xét kho xưởng sản xuất sữa giả

Cơ quan chức năng khám xét kho xưởng sản xuất sữa giả

Ngày 21-1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương đã chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an thành phố Dĩ An và Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tiến hành đồng loạt kiểm tra tại 4 địa điểm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm của đối tượng Vũ Thành Công (SN 1988, trú tại quận Quận 12, TP. Hồ Chí Minh).

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ nhiều loại phương tiện, máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả; 7.525 lon sữa bột thành phẩm các loại; 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại; 200 kiện hàng chứa vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng (khoảng 150.000 vỏ lon); 07 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa… có giá trị ước tính khoảng 14.500.000.000 đồng.

Đối tượng và tang vật

Đối tượng và tang vật

Đối tượng Vũ Thành Công thừa nhận đã thuê nhà xưởng tại địa chỉ 53B/7, đường Lồ Ồ, khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, sau đó thuê công nhân để hoạt động sản xuất hàng giả là sữa bột mang nhiều nhãn hiệu nổi tiếng (loại sữa chỉ được sản xuất tại nước ngoài và chưa được phép sản xuất tại Việt Nam).

Sau khi làm thành phẩm sữa bột giả, Vũ Thành Công đăng thông tin chào bán trên các trang mạng xã hội, các trang bán hàng thương mại điện tử và giao hàng qua hệ thống các công ty giao hàng.

Vỏ hộp sữa của một thương hiệu bị làm giả

Vỏ hộp sữa của một thương hiệu bị làm giả

Được biết, Vũ Thành Công hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa bột từ ngày 24-11-2023 đến nay và đã hưởng lợi bất chính số tiền khoảng 3.000.000.000 đồng.

Để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện thì khoảng 1 tháng, Công thay đổi địa điểm hoạt động sản xuất một lần.