"Đốt đuốc" tìm kịch bản phim hoạt hình và phim tài liệu Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Vốn được xem là hai lĩnh vực phim còn hạn chế về mặt khán giả tại Việt Nam, nên việc tìm kiếm các ý tưởng sáng tác, sáng tạo ngay từ khâu kịch bản được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều thay đổi tích cực cho thị phần phim tài liệu và phim hoạt hình nội địa.

Năm ngoái, Cục Điện ảnh lần đầu tiên phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh và tìm ra được một số kịch bản hay để trao giải. Mặc dù không có giải Nhất song các kịch bản đạt các giải thấp hơn đều được đánh giá là những tác phẩm có nội dung tư tưởng hướng đến giá trị nhân văn, hướng thiện, giàu bản sắc văn hóa Việt. Nhiều kịch bản thể hiện sự đầu tư, tìm tòi kỹ lưỡng của tác giả về các vấn đề của lịch sử hoặc đời sống; thể hiện sự chuyên nghiệp; hướng tới xây dựng thị hiếu lành mạnh cho công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi; có triển vọng để sản xuất thành phim.

Cảnh trong phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" (2014)

Cảnh trong phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" (2014)

Tiếp nối hướng đi này, ngành điện ảnh tiếp tục “đốt đuốc” tìm lối đi mới cho phim tài liệu và phim hoạt hình “made in Việt Nam” với việc phát động cuộc tìm kiếm kịch bản cho hai lĩnh vực này. Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, cuộc thi được tổ chức với mong muốn có thể tìm ra những kich bản có giá trị về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, có cách chuyển tải mới mẻ, hấp dẫn, sáng tạo để trở thành nguồn kịch bản cho các kế hoạch đặt hàng sản xuất phim Nhà nước trong giai đoạn 2023 – 2025. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là nguồn kịch bản cho chính các đơn vị sản xuất phim tài liệu và hoạt hình trong nước.

Theo những tiêu chí mà Ban tổ chức đặt ra thì các kịch bản phim hoạt hình dự thi hướng tới việc đề cao tính giáo dục, tôn vinh các giá trị “chân, thiện, mỹ”, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, cuộc thi khuyến khích các tác giả khai thác nhóm đề tài lịch sử, cổ tích, giả tưởng, viễn tưởng cũng như sáng tạo khoa học công nghệ với nội dung gợi mở, khám phá, phát huy trí tưởng tượng của khán giả. Còn yêu cầu đối với kịch bản phim tài liệu là phản ánh hiện thực sinh động xã hội đương đại, có phát hiện mới về cuộc sống và con người với góc nhìn đa chiều, hướng thiện, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thời hạn nhận tác phẩm gửi về dự thi là từ nay đến hết ngày 31-8-2021 và tất cả các tác phẩm dự thi phải có giấy cam kết là sáng tác mới của tác giả.

Phim tài liệu "Lửa thiên nhân" từng gây "sốt" ngoài rạp chiếu năm 2015

Phim tài liệu "Lửa thiên nhân" từng gây "sốt" ngoài rạp chiếu năm 2015

Trong nhiều năm trở lại đây, phim tài liệu và phim hoạt hình được xếp vào thể loại sản xuất kén khán giả, hay nói đúng hơn là ít người xem, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước, các kênh truyền hình Trung ương và địa phương. Tính tới thời điểm này, chỉ có rất ít phim tài liệu và hoạt hình có thể bước chân ra rạp chiếu và điều đáng nói là những bộ phim này đều được làm từ kinh phí xã hội hóa, do các nhà làm phim độc lập thực hiện, trong đó phải kể đến 2 bộ phim tài liệu từng gây “sốt” ngoài rạp chiếu là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (2014), “Lửa Thiện Nhân” (2015).

Còn việc đưa phim hoạt hình Việt Nam ra rạp để bán vé cho tới giờ vẫn là điều không tưởng. Dịp cuối năm 2020, trong cuộc họp tổng kết công tác sản xuất phim trong năm, lãnh đạo Hãng phim Họa hình Việt nam từng tiết lộ, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà đơn vị này xác định phải bắt tay vào triển khai trong năm 2021 là đầu tư sản xuất phim truyện hoạt hình chiếu rạp. Để làm được điều này, thời gian gần đây Hãng đã có sự chuẩn bị bước đầu như: tiến hành tuyển chọn và xây dựng kịch bản phim truyện hoạt hình trên cơ sở kết hợp các biên kịch hoạt hình với biên kịch phim truyện; đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ, kỹ thuật để chuẩn bị cho việc sản xuất phim chiếu rạp; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ họa sĩ và các khâu khác trong dây chuyền đáp ứng yêu cầu chuyên môn….

Cảnh trong bộ phim hoạt hình "Huyền thoại mắt biển" được Hãng phim Hoạt hình sản xuất năm 2020

Cảnh trong bộ phim hoạt hình "Huyền thoại mắt biển" được Hãng phim Hoạt hình sản xuất năm 2020

Cũng theo đại diện Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thì trong lúc chờ sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng thì đơn vị này cũng đã phát huy hết khả năng, cơ sở vật chất sẵn có để bằng nhiều cách mang lại nguồn thu tốt cho hãng, trong đó có việc nhận đặt hàng sản xuất các sản phẩm liên quan hoạt hình của các đối tác trong và ngoài nước; kết hợp với các đối tác phát hành phim hoạt hình trên nhiều kênh truyền hình, kênh mạng xã hội…

Mặc dù vậy theo đánh giá từ các nhà làm phim tài liệu thì với đặc thù chất liệu chính là hơi thở cuộc sống, cần phải có những chuyến đi thực địa thực tế, tìm hiểu ngọn ngành từng câu chuyện, đội ngũ sáng tạo kịch bản cho thể loại phim này sẽ gặp khá nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn ra trong suốt một thời gian dài vừa qua, hạn chế việc đi lại và cuộc sống sinh hoạt nói chung của mọi người.

Riêng về thể loại phim hoạt hình Việt Nam, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh thẳng thắn chỉ ra rằng, thể loại này đang thực sự khó cạnh tranh với các bộ phim hoạt hình nước ngoài cả về hình thức lẫn nội dung. Minh chứng là mặc dù Hãng phim Hoạt hình Việt Nam có chiều sâu và bề dày lịch sử song các tác phẩm mà đơn vị này sản xuất bao lâu nay vẫn thiếu nhiều tiêu chí để có thể ra rạp và hút khách, bao gồm cả thời lượng và chất lượng phim.

Nói thêm về cơ hội cho phim hoạt hình “made in Việt Nam”, người đứng đầu Cục Điện ảnh cho rằng, kịch bản “Thiên mạc hùng ca” từng đạt giải Nhì tại cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 có thể xem là chất liệu tốt để làm phim hoạt hình lịch sử với công nghệ 3D. Cũng theo ông Vi Kiến Thành, từ trước tới nay mọi người vẫn nghĩ phim hoạt hình dành cho trẻ em, nhưng trên thực tế thì cuộc thi lần này mong muốn tìm ra các kịch bản có giá trị để có thể chuyển thể thành phim hoạt hình mà người lớn cũng có thể xem được, tức là phim dành cho nhiều đối tượng khán giả, có khả năng đem lại doanh thu cho nhà sản xuất.