- Hóa giải nỗi lo tỷ giá khi Mỹ tăng thuế sốc
- UOB: Ngân hàng Nhà nước không chịu áp lực phải nới lỏng chính sách tiền tệ
- Tỷ giá có thể tăng 3% trong năm 2025, lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp
Sáng nay (14/4), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.886 VND/USD, giảm mạnh 37 đồng so với mức niêm yết cuối tuần qua. Trước đó, nhà điều hành cũng đã giảm sâu 41 đồng trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
Áp dụng biên độ 5%, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong biên độ 23.642 - 26.130 VND/USD.
Tỷ giá mua bán tham khảo cũng được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng giảm mạnh 39 đồng, xuống còn 23.692 - 26.080 VND/USD (mua vào – bán ra).
![]() |
Đồng USD trên thị trường thế giới giảm mạnh |
Tuy nhiên, tại các ngân hàng thương mại, giá mua – bán đồng USD lại diễn biến trái ngược.
Vietcombank sáng đầu tuần đã tăng giá đồng USD thêm 80 đồng, lên mức 25.61 -26.000 VND/USD. Tại VietinBank, tỷ giá tăng mạnh chiều mua vào thêm 240 đồng, trong khi chiều bán ra tăng nhẹ 20 đồng, lên mức 25.650 - 26.010 VND/USD.
Eximbank tăng 80 đồng chiều mua vào, tăng 110 đồng chiều bán ra, lên 25.650 – 26.030 VND/USD…
Dù tăng mạnh trong phiên hôm nay, song tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh cách đây ít ngày. Đơn cử như tại Vietcombank, giá đồng bạc xanh vẫn kém 180 đồng so mức giao dịch ngày 9/4.
Trên thế giới, đồng đô la Mỹ đang trong đà suy giảm mạnh, đặc biệt là vào thứ Sáu tuần trước. Chỉ số US Dollar Index (đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với 6 loại tiền tệ chủ chốt) đã giảm xuống tới 99 điểm, mức thấp nhất trong vòng 3 năm, trong phiên cuối tuần trước. Hiện tại, chỉ số này đang đứng quanh mức 99,6 điểm.
Việc Mỹ liên tục đưa ra các đòn thuế quan đã khiến nhà đầu tư suy giảm niềm tin vào độ an toàn của đồng tiền của nước này. Trung Quốc hôm thứ Sáu đã nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ từ 84% lên 125%, đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế lên tổng cộng 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, sau khi tạm hoãn áp thuế mới với nhiều quốc gia khác.
Đồng đô la chịu áp lực mạnh từ làn sóng bán tháo toàn cầu, lan sang thị trường chứng khoán và cả trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng sự suy yếu của đồng đô la một phần do quan điểm rằng vị thế kinh tế đặc biệt của Mỹ đang suy giảm, với nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề, cùng sự chuyển dịch từ đồng đô la như một tài sản trú ẩn sang yên Nhật và franc Thụy Sĩ.
Đợt chuyển dịch lớn này cũng diễn ra khi các nhà đầu tư nước ngoài đa dạng hóa danh mục khỏi Mỹ.