Động thái linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

ANTĐ - Theo đánh giá của các doanh nghiệp, động thái nới biên độ tỷ giá của NHNN Việt Nam là linh hoạt và kịp thời.
Động thái linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ảnh 1

Công nghiệp dệt may trong nước với nhu cầu cao về nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi tỷ giá đồng Nhân dân tệ

Giảm lỗ cho doanh nghiệp

Theo ông Phạm Vũ Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, với việc NHNN Việt Nam tăng biên độ tỷ giá VND/USD, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã giảm bớt lỗ. “Điều chỉnh này là kịp thời nhưng vẫn chưa đáp ứng được diễn biến thị trường”- ông Phạm Vũ Hà nói.

Cùng quan điểm này, bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, dù biên độ tỷ giá VND/USD được điều chỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhưng sự điều chỉnh này là kịp thời, linh hoạt. “Nếu không điều chỉnh, lạm phát sẽ ít bị ảnh hưởng, giữ được đồng tiền mạnh nhưng tỷ giá sẽ không phản ánh đúng thực trạng kinh tế thị trường, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”- đại diện Vitas nói. Thêm vào đó, đối với doanh nghiệp xuất khẩu thanh toán bằng USD, giữ giá VND sẽ cản trở việc tăng lương cho lao động. Vì vậy, điều chỉnh tỷ giá là cần thiết. 

Theo ông Nguyễn Văn Châu - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Thúy Đạt, tỷ giá được điều hành kịp thời đã giữ thế cân bằng của VND với các đồng ngoại tệ khác. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp vay vốn bằng USD thì đây là điều bất lợi. 

Còn phụ thuộc, còn lo lắng

Với diễn biến phức tạp của đồng Nhân dân tệ, những doanh nghiệp làm ăn với đối tác Trung Quốc đang hết sức lo lắng. Đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường này chiếm 86% lượng tinh bột sắn xuất khẩu. Trong đó, 50% lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên mậu, thanh toán bằng Nhân dân tệ. Ông Phạm Vũ Hà cho biết: “Doanh nghiệp cảm thấy bất an, lúng túng vì không biết xu hướng tỷ giá tiếp theo sẽ thế nào? Đồng Nhân dân tệ còn giảm giá tiếp không? NHNN Việt Nam sẽ hỗ trợ như thế nào cho doanh nghiệp?”.

Không riêng gì doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn, hiện nay, hầu hết các ngành hàng của Việt Nam đều có giao thương với thị trường Trung Quốc. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Trung Quốc và ASEAN là thị trường chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Giá cá tra sẽ chịu áp lực đáng kể khi vào các thị trường này trong thời gian tới. 

Ngược lại, ở chiều nhập khẩu, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc. Do đó, khi phá giá đồng Nhân dân tệ, hàng hóa Trung Quốc giá càng rẻ và sẽ vào Việt Nam nhiều hơn hiện tại. Cụ thể, đối với ngành dệt may, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 42% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các lĩnh vực khác nhập khẩu từ 60-80% từ Trung Quốc. Hàng hóa rẻ thì doanh nghiệp nhập khẩu có lợi, nhập được nhiều hàng hơn với giá rẻ, tính cạnh tranh sẽ được nâng cao. Phía Trung Quốc cũng hưởng lợi vì bán được nhiều hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, tình trạng này sẽ gây khó khăn cho việc đầu tư phát triển trong nước của Việt Nam.