Đồng phục học sinh cuối cấp: Phá cách hay “phá phách”?

ANTĐ - Những ý tưởng thiết kế áo đồng phục lớp ngày càng trở nên đa dạng và táo bạo hơn. Tuy nhiên, vì quá chú trọng việc thể hiện phong cách riêng nên đôi khi chiếc áo đồng phục đem lại rất nhiều rắc rối cho học sinh.

Đồng phục lớp là chiếc áo lưu giữ những kỷ niệm đẹp của thời học sinh


Rộ mùa đồng phục lớp

Đến hẹn lại lên, cứ đến những năm cuối cấp THCS và THPT là các lớp lại đua nhau thiết kế, đặt may những chiếc áo đồng phục cho riêng lớp mình. Không chỉ là một vật kỷ niệm một quãng đời học sinh, đồng phục còn là phương tiện gián tiếp để các lớp thể hiện phong cách riêng, tiếng nói riêng.

Hiện nay, ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất áo đồng phục ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu làm đồng phục lớp hiện nay. Sự ra đời đó đã hiện thực hóa trí tưởng tượng, biến những sản phẩm sáng tạo trên giấy của các cô cậu học trò thành những bộ đồng phục đẹp mắt. Chị Nguyễn Thu Phương - cơ sở làm áo đồng phục FreeAge cho biết: Một chiếc áo đồng phục lớp có giá khoảng từ125 - 150 nghìn đồng, tùy thuộc vào màu sắc và độ cầu kỳ. Áo được may bằng chất liệu 70% cotton với hình in bằng mực cao su.

Theo chị Phương, giá thành làm áo đồng phục lớp sẽ tăng vào những dịp như: 20-10,       20-11, 26-3… Trong khoảng thời gian này, nhà trường thường hay tổ chức các buổi ngoại khóa, tham quan. Vì thế mà số lượng các lớp tìm đến đặt áo đồng phục lớp tăng vọt. Thời điểm tốt nhất để các bạn học sinh đặt áo đồng phục lớp chính là dịp đầu năm. Các bạn vừa có thể mặc chiếc áo này trong nhiều dịp lại không quá mất thời gian vào chuyện thiết kế áo, ảnh hưởng đến kết quả học tập cuối năm.


Những rắc rối khó tránh

Nhiều bạn học sinh đã chọn những kiểu áo không giống ai để thể hiện “đẳng cấp” của lớp mình

Đồng phục lớp là chiếc áo chung của cả lớp. Tuy nhiên, không phải tập thể lớp nào cũng đoàn kết, thống nhất ý kiến để cho ra chiếc áo đại diện. Lớp 9A11 (THCS Chu Văn An, khóa 2007 - 2011) là một ví dụ. Chỉ vì các thành viên không thống nhất được màu áo mà cả lớp chia thành hai phe. Một bên ủng hộ màu trắng còn một bên ủng hộ màu xanh. Cô giáo chủ nhiệm khuyên bảo như thế nào thì hai phe cũng không chịu thay đổi ý kiến. Cuối cùng thì mỗi phe tự làm một mẫu áo riêng. Khi lớp tham gia hoạt động ngoại khóa, các bạn cũng tách ra luôn làm hai nhóm.

Bạn Thanh Tùng, cựu học sinh trường THPT Phạm Hồng Thái nhớ lại: Hồi đó lớp mình làm áo đồng phục mà tranh luận ghê lắm. Cuối cùng, vì muốn áo lớp mình “độc và lạ” nên cả lớp đã chọn áo màu đen và có thêm những hình… đầu lâu, thần chết. Bọn mình còn giấu cô giáo chủ nhiệm việc làm áo đồng phục. Đến lúc cầm áo, cô giáo rất giận, cấm cả lớp mặc trong các dịp ngoại khóa ở trường; một số bạn trong lớp dù đóng tiền mua áo nhưng cũng không mặc.

Thậm chí, một số lớp vì muốn thể hiện “đẳng cấp” nên đã chọn cho mình những mẫu áo đồng phục có những hình ảnh, những dòng chữ gây shock, phản cảm. Có thể kể đến các câu khẩu hiệu bằng tiếng Anh như “Friendship U Can Keep” hay “Never Give Up”. Nếu dịch ra sang tiếng Việt thì đây đều là những câu nói về tình bạn hay những lời khích lệ, động viên. Tuy nhiên, nếu ghép những chữ cái viết hoa trong câu lại với nhau thì chắc chắn những người trông thấy sẽ phải đỏ mặt vì ý nghĩa bậy bạ, xấc xược của nó. Cá biệt, lớp 9C (trường GV) còn thiết kế mẫu áo có in hình 2 cánh tay vòng từ đằng sau ra đằng trước để… ôm lấy ngực. Không hiểu, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy thế nào khi hiểu được cái “ý nghĩa sâu xa” của những dòng chữ, hình ảnh trên áo con em mình?!