Đồng phạm hay phạm tội nửa chừng?

ANTĐ - Khoảng 18h ngày 25-5, Trần Văn C (19 tuổi) đi xe máy của gia đình chở Nguyễn Phú H (17 tuổi) đi chơi rồi rủ nhau đi trộm cắp tài sản. 

Đến một quán bán đồ điện, C mua 1 chiếc tuốc nơ vít dài khoảng 30cm và 1 chiếc cà lê dài khoảng 17cm đưa cho H để phá khóa xe máy. C chở H đi lòng vòng một hồi thì thấy có 2 chiếc xe máy dựng trước cửa nhà anh D. C dừng xe đợi ở ngoài, H vào dùng tuốc nơ vít phá khóa xe máy Jupiter. Thấy có người lại gần, C sợ bị phát hiện bắt giữ nên phóng xe đi trước. Sau khi lấy được xe, H tháo gương, thay bằng biển số giả rồi đem chiếc xe trên đến gửi tại phòng trọ của T. Lúc đó T, không biết chiếc xe là do H đã trộm cắp được. Ngày 27-5, sau khi biết chiếc xe do H trộm cắp của người khác, T đã đem chiếc xe trên nộp cho công an. 

Vấn đề đặt ra là C có bị coi là đồng phạm với H về tội trộm cắp tài sản không hay phạm tội nửa chừng?

Đồng phạm hay phạm tội nửa chừng? ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc 

C và H không phải đồng phạm

Khái niệm đồng phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Hình sự đó là: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Tuy nhiên, theo tôi hiểu không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm mà những người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Do đó nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Trong vụ việc này tôi cho rằng C không phải là đồng phạm với H vì giữa C và H không có sự cấu kết chặt chẽ. Việc trộm cắp tài sản chỉ nảy sinh trong quá trình C chở H đi chơi. Hơn nữa tôi cho rằng C không có ý định thực hiện tội phạm đến cùng. Bằng chứng là C chỉ dừng xe ở ngoài để đợi H. Hơn nữa trong quá trình H dùng tuốc nơ vít phá khóa xe máy, C có lẽ vì cảm thấy ân hận với hành động của mình nên đã phóng xe đi trước, còn H thì vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Như vậy tôi cho rằng C không phải là đồng phạm với H.

Vũ Quốc Quang (Bỉm Sơn - Thanh Hóa)

C đã giúp sức cho H phạm tội

Trong một vụ án về đồng phạm, tùy thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Hình sự gồm: “Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm”. Trong vụ việc này, tôi cho rằng C đã đóng vai trò là người giúp sức cho H. Theo tôi hiểu, người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Người này cũng có vai trò quan trọng trong một vụ án có đồng phạm, giúp việc phạm tội thuận lợi hơn. Trong vụ án này, C đã giúp sức cho H bằng cách cung cấp phương tiện phạm tội khi dùng xe máy chở H và mua tuốc nơ vít cho H. Hành vi này cho thấy giữa C và H đã có sự câu kết chặt chẽ về tổ chức và cách thức thực hiện. Vì vậy tôi cho rằng C phải là đồng phạm của H.

Nguyễn Ánh Hồng (Bắc Hà - Lào Cai)

C được miễn trách nhiệm hình sự 

Tôi cho rằng, C đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và theo điều 19 Bộ luật Hình sự quy định “Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm”. Sở dĩ cho rằng C tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là vì tự C đã không thực hiện tội phạm đến cùng. Trong vụ việc này, C chở H đi bằng xe máy của mình và giúp H mua tuốc nơ vít rồi dừng xe ở ngoài đợi H vào phá khóa xe máy. Tuy nhiên, khi thấy có người lại gần, C sợ bị phát hiện bắt giữ nên phóng xe đi trước. Như vậy trường hợp này hành vi phạm tội của C được thực hiện ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành. Do đó theo tôi C sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đào Duy Anh (Lương Sơn - Hòa Bình)

Bình luận của luật sư 

Khoản 1 Điều 20 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Muốn xác định C và H có bị coi là đồng phạm tội cướp tài sản hay không thì cần phải xét đến các dấu hiệu của đồng phạm. Theo nội dung của khoản 1 Điều 20 BLHS, đồng phạm đòi hỏi có những dấu hiệu sau:

Về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi có hai dấu hiệu đó là:

Thứ nhất, có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. 

Thứ hai, những người này phải cùng thực hiện tội phạm có nghĩa là người đồng phạm phải tham gia vào tội phạm với một trong 4 hành vi: hành vi thực hiện tội phạm, hành vi tổ chức thực hiện tội phạm, hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm, hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm.

Xét trong tình huống trên, C và H có đầy đủ những dấu hiệu về mặt khách quan của đồng phạm.

Về dấu hiệu thứ nhất: số lượng người tham gia vụ trộm được thực hiện bởi hai người là C và H. Cả C (19 tuổi) và H (17 tuổi) đều thỏa mãn điều kiện chủ thể của tội phạm có nghĩa là cả C và H đều có năng lực TNHS và đã đủ tuổi chịu TNHS theo quy định tại Điều 12 BLHS. 

Về dấu hiệu thứ hai: C và H đã cùng thực hiện một tội phạm đó là tội trộm cắp tài sản. C đã chở H bằng xe máy của gia đình đến một quán đồ điện. C mua một chiếc tuốc nơ vít dài 30cm và 1 chiếc cờ lê dài khoảng 17cm để với mục đích phá khóa xe máy. Sau khi tìm thấy mục tiêu là hai chiếc xe máy dựng trước của nhà anh D, H đã dùng dụng cụ vừa mua để phá khóa 1 chiếc xe Jupiter. Sau khi lấy được xe H đã tháo gương, thay biển số giả và mang đi gửi tại nhà T.

Có thể thấy, H là người thực hành, tức là người trực tiếp thực hiện tội phạm với hàng loạt hành động: phá khóa xe, tháo gương, thay biển số, đem xe đi giấu. Trong khi đó, C đóng vai trò là người giúp sức - người tạo điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm. C đã cung cấp những phương tiện cho H phạm tội: chở H bằng xe máy của gia đình mình, mua tuốc nơ vít và cờ lê cho H phá khóa. Ngoài ra, C cũng là người góp ý vào kế hoạch ăn trộm (hai người rủ nhau trộm cắp tài sản, C chở H lòng vòng tìm mục tiêu) và cũng đã dừng xe đợi H thực hiện hành vi. Những hành động của C đã tạo thuận lợi cho H phạm tội, là khâu cần thiết trong quá trình phạm tội chung của 2 người.

Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý. Vấn đề đồng phạm chỉ được đặt ra khi tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp (biết rõ hành vi là phạm tội nhưng vẫn làm) hay cố ý gián tiếp (biết hành vi phạm tội nhưng để mặc nó xảy ra). Như vậy, ở trong tình huống này, hành vi trộm cắp của C và H được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích vụ lợi. Cả 2 đã cố ý cùng thực hiện việc ăn trộm tài sản là chiếc xe máy. Dù biết rõ hành vi của mình là xâm phạm tới quyền sở hữu đối với tài sản của người khác nhưng hai người vẫn cố tình thực hiện. Hành vi này cũng không phải là do lòng tham nhất thời mà đã được tính toán trước, từ việc chuẩn bị phương tiện đến việc đem giấu tài sản..

Từ sự phân tích trên cho thấy: C và H bị coi là đồng phạm tội trộm cắp tài sản.

Về vấn đề C có được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không và từ đó được miễn trách nhiệm hình sự hay không, tôi cho rằng C không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Vì theo Điều 19 BLHS quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự ý mình không thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đầy đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.”

Chỉ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thỏa mãn những dấu hiệu sau:

- Việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành.

- Việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải là tự nguyện và dứt khoát.

Trong trường hợp của C thì C chỉ thỏa mãn được yếu tố một của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. C đã phóng xe máy đi trong khi H vào nhà anh D dùng tuốc nơ vít phá khóa chiếc xe Jupiter. Tức là C đã thôi không thực hiện trộm cắp tài sản (với vai trò là người giúp sức) khi tội phạm trộm cắp tài sản đang ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành. Như vậy đã thỏa mãn được một điều kiện.

Ở điều kiện thứ hai ta xét đến nguyên nhân mà C bỏ đi chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm. Tình huống có nói rõ rằng: “Thấy có người lại gần, sợ bị phát hiện bắt giữ nên phóng xe đi trước”. Vì vậy, nguyên nhân khiến C không thực hiện tiếp hành vi phạm tội của mình là do nguyên nhân khách quan chứ không phải do bản thân C muốn dừng hành vi phạm tội của mình. Như vậy C đã không đáp ứng được điều kiện hai.

Trong một vụ án đồng phạm, vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm không giống như trường hợp phạm tội riêng rẽ. Chỉ có người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm mới được áp dụng lý luận về tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm như trường hợp phạm tội riêng rẽ, còn những người khác như: người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thì phải có thêm những điều kiện khác ngoài hai điều kiện đã được quy định đối với người thực hành.

Xét thấy trong trường hợp của C, thứ nhất C không phải người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà chỉ đóng vai trò là người giúp sức. Thứ hai, hành động phóng xe đi trước của C xảy ra sau khi H đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm; hơn nữa C cũng không có hành động để ngăn ngừa tội phạm xảy ra.