Đông Nam Á đối mặt với “thách thức kép” già hóa dân số và an sinh xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù vẫn được xem đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, song không ít quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ từ tình trạng già hóa dân số, trong khi hệ thống an sinh xã hội lại chưa đủ tốt để chăm sóc, hỗ trợ.

Ứng phó với vấn đề già hóa dân số

Thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số vào những thập niên tới, trong đó châu Á là khu vực có cơ cấu dân số đang già đi nhanh hơn bất kỳ châu lục nào. Đặc biệt, Đông Nam Á đang chứng kiến sự già hóa dân số nhanh chóng với tỷ lệ số lượng người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số được cho là sẽ bắt đầu giảm trong năm nay. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội lại vẫn chưa tốt tại một số quốc gia trong khu vực.

Thái Lan hiện là quốc gia có dân số già hóa nhiều hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác

Thái Lan hiện là quốc gia có dân số già hóa nhiều hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác

Theo ước tính của Liên hợp quốc, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tại 11 quốc gia ở Đông Nam Á đã đạt đỉnh 68% vào năm 2023 vừa qua. Tỷ lệ này đã đạt đỉnh tại Thái Lan vào năm 2013 và Việt Nam vào năm 2014. Tại Indonesia, quốc gia với dân số 270 triệu - lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới, tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, chấm dứt giai đoạn “dân số vàng” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2019, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên ở Đông Nam Á đã đạt 7%, ngưỡng bắt đầu được coi là “xã hội già hóa”. Tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 14% vào năm 2043, đưa khu vực vào nhóm “dân số già”.

Dù xã hội già hóa là điều khó có thể tránh khỏi, nhưng nhiều quốc gia Đông Nam Á lại chưa được chuẩn bị tốt hệ thống an sinh xã hội để ứng phó với thách thức này khi những khoản chi tiêu cho an sinh xã hội chiếm chưa đến 10% GDP ở các nền kinh tế khu vực. Theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổng hợp, tại Indonesia có chưa đến 30% dân số trong độ tuổi lao động được hưởng lương hưu nhà nước. Ngay cả ở quốc gia có hệ thống an sinh xã hội tốt nhất khu vực là Singapore, tỷ lệ này cũng dưới 60%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 87% của các thành viên OECD.

Theo các chuyên gia, già hóa dân số dẫn tới giảm sút số người trong độ tuổi lao động sẽ khiến các quốc gia ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng về phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, khu vực này sẽ phải đối mặt với thách thức khó khăn trong việc đối phó với tình trạng dân số già đi kèm suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tại Đông Nam Á, Thái Lan hiện là nơi có dân số già hóa cao hơn so với nhiều nước khác với 16% dân số là từ 65 tuổi trở lên. Ước tính đến năm 2029, Thái Lan sẽ gia nhập danh sách các xã hội siêu già hóa với hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa đạt được mức độ giàu có như một số xã hội già hóa khác như Nhật Bản hay Đức.

Dân số già ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc số lượng người cao tuổi không có người chăm sóc chu đáo cũng tăng theo. Chính phủ các nước Đông Nam Á hiện đã có những cách tiếp cận, đưa ra giải pháp ứng phó với tình trạng già hóa dân số, quan tâm tới chế độ chính sách đối với người cao tuổi. Theo đó, tập trung vào 3 ưu tiên chính gồm: Tăng cường hệ thống y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng về y tế và cộng đồng; Nâng độ tuổi làm việc và nghỉ hưu, tạo điều kiện để người già làm việc phù hợp với nguyện vọng và năng lực và Nâng phụ cấp chế độ cho người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những gia đình từng có nhiều đóng góp cho xã hội…

Xây dựng hệ sinh thái người cao tuổi

Quy mô dân số của Việt Nam hiện đứng thứ 15 thế giới, tốp 3 khu vực Đông Nam Á và hiện đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao. Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu “dân số vàng” là thời kỳ mà tỷ lệ những người có khả năng lao động từ 15-64 tuổi chiếm 66% tổng số dân trở lên. Hiện tỷ lệ người từ 15 đến 64 tuổi của nước ta là 67,5%, như vậy với quy mô khoảng 100 triệu dân, số người có khả năng lao động tương ứng là 67,5 triệu. Đây là dư lợi lớn về lao động do cơ cấu dân số vàng mang lại, tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế nhanh. Giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 và có thể kéo dài từ 30 đến 35 năm.

Tuy nhiên, sự suy giảm tỷ lệ sinh và hạn chế mức sinh đang khiến cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh, dự báo Việt Nam có thể sẽ trở thành quốc gia có dân số già từ năm 2036. Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9-2-2023 cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân, trong đó từ 60 đến dưới 70 tuổi là 9.417.924 người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là 4.189.640 người, từ 80 đến dưới 90 tuổi là 1.907.991 người, từ 90 đến dưới 100 tuổi là 623.221 người, từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người. Điều đáng lưu ý là, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nêu trên kéo dài hàng trăm năm. Việt Nam do đó được xem là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già.

Trước bối cảnh già hóa dân số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt ra cho chúng ta yêu cầu cần kịp thời hoàn thiện chính sách, pháp luật để cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”. Trước mắt, cần ban hành Chiến lược Quốc gia người cao tuổi, góp phần xây dựng hệ sinh thái người cao tuổi trong xu thế phát triển mới.

Việt Nam ngay lúc này cần sớm xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số, với trọng tâm là áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời vào vấn đề già hóa dân số và coi người cao tuổi là nguồn lực. Công tác người cao tuổi bảo đảm dựa trên ba trụ cột gồm: bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; trong đó cần tăng cường phát huy vai trò, vị trí và sự đóng góp của người cao tuổi vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển hệ thống chăm sóc toàn diện, bao gồm cả chăm sóc tập trung và chăm sóc cộng đồng; chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương như dân tộc thiểu số, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình. Có các chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ chăm sóc, nhất là các cơ sở dưỡng lão ngoài công lập, cũng như ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc người cao tuổi.