Đồng minh Nhật - Mỹ nợ nhau lời xin lỗi

ANTD.VN - Sau chuyến thăm mang tính biểu tượng của Tổng thống Barack Obama tới thành phố Hiroshima - nơi Mỹ đã ném quả bom nguyên tử đầu tiên sát hại khoảng 140 nghìn người dân Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cũng có chuyến đi “đáp lễ” tới Trân Châu Cảng.

Đồng minh Nhật - Mỹ nợ nhau lời xin lỗi ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại đài tưởng niệm ở Hawaii hôm 26-12, một ngày trước khi ông đến thăm Trân Châu Cảng

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 26-12 đã tới Hawaii để tiến hành cuộc gặp mang ý nghĩa biểu tượng với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại nơi xảy ra vụ tấn công Trân Châu Cảng cách đây tròn 75 năm. Ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tới khu tưởng niệm US Arizona, khu tưởng niệm mà Mỹ lập ra để tưởng nhớ thất bại lịch sử của quân đội Mỹ cách đây 3/4 thế kỷ, cũng là thất bại đưa nước Mỹ chính thức can dự vào Chiến tranh thế giới thứ hai từ Thái Bình Dương.

Cách đây 75 năm, vào ngày 7-12-1941, quân đội Nhật Bản đã bất ngờ mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Trân Châu Cảng, đại bản doanh của quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Đòn tấn công không tuyên chiến của Nhật Bản đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Mỹ với tổng cộng 2.403 binh sĩ thiệt mạng, 1.100 người bị thương và 8 chiến hạm của Mỹ bị phá hủy.

Trận Trân Châu Cảng cũng châm ngòi để nước Mỹ chính thức tham chiến vào cuộc chiến trên quy mô toàn thế giới vốn đã bùng nổ hơn 2 năm trước ở châu Âu bằng cuộc xâm lược Ba Lan ngày 1-9-1939 của phát xít Đức. Trận chiến Trân Châu Cảng chỉ diễn ra trong khoảng 90 phút, song đã mở “mặt trận châu Á - Thái Bình Dương” kéo dài gần 4 năm với 2 trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima ngày 6-8-1945 làm khoảng 140 nghìn người thiệt mạng và Nagashaki làm 75 nghìn người chết cùng hàng trăm nghìn người khác mang thương tật suốt đời.

Cho đến nay, vẫn còn có những luồng quan điểm khác nhau về việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagashaki. Một bên, trong đó có Mỹ vẫn cho rằng, việc ném nguyên tử xuống 2 thành phố này là cần thiết, là đòn quyết định buộc phát xít Nhật phải đầu hàng nhằm giảm thiểu tổn thất. Phía khác lại cho rằng, sau khi phát xít Đức và Ý đã đầu hàng, việc phát xít Nhật với những thiệt hại nặng nề và suy giảm sức mạnh nghiêm trọng  đầu hàng chỉ là vấn đề thời gian nên việc sử dụng tới thứ vũ khí hủy diệt khủng khiếp khiến 215 nghìn người thiệt mạng, trong đó tuyệt đại đa số là thường dân vô tội là quá tàn khốc và không cần thiết.

Những quan điểm rất khác biệt trên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung cho tới tận ngày nay dù Mỹ và Nhật Bản thực chất đã khép lại quá khứ chiến tranh để trở thành đồng minh chí cốt của nhau từ năm 1945 tới nay. Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 5-2016 đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm nơi phải hứng chịu quả bom nguyên tử đầu tiên của loài người. Tổng thống Obama khi đó cũng chỉ “bày tỏ lòng thương tiếc” những người đã thiệt mạng mà không hề đưa ra lời xin lỗi như không ít thân nhân của những nạn nhân bom nguyên tử mong muốn.

Như Tổng thống Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm mang tính biểu tượng tới Trân Châu Cảng trong 2 ngày 26 và 27-12 cũng chỉ để “tưởng niệm những người đã khuất” mà không xin lỗi về trận chiến khiến hơn 2.400 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và “châm ngòi” cho Chiến tranh thế giới thứ hai tại Thái Bình Dương. Cùng “nợ” nhau lời xin lỗi, song Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản đã cùng cam kết về “tương lai hòa bình và giá trị của hòa giải”, không bao giờ để lặp lại một chiến tranh thế giới cũng như “theo đuổi một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.