Động lực hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
ANTD.VN - Sự kiện Liên đoàn các tổ chức nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản (Nihon Hidankyo) giành giải Nobel Hòa bình 2024 không chỉ được được đón nhận với niềm vui và xúc động mà còn tạo động lực hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Tổng thư ký Nihon Hidankyo, ông Sueichi Kido gửi bản kiến nghị với 8,3 triệu chữ ký kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân, tại trụ sở LHQ ngày 10-10-2018

Tổng thư ký Nihon Hidankyo, ông Sueichi Kido gửi bản kiến nghị với 8,3 triệu chữ ký kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân, tại trụ sở LHQ ngày 10-10-2018

68 năm nỗ lực kêu gọi thế giới xóa bỏ vũ khí hạt nhân

Ngày 11-10-2024, Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa bình 2024 thuộc về tổ chức Nihon Hidankyo (Nhật Bản) vì “những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh qua các nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa”. Nihon Hidankyo là tổ chức đại diện cho những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki (còn được gọi là Hibakusha), trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tổ chức này được thành lập để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân, cung cấp hỗ trợ y tế, và vận động cho hòa bình, cũng như ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Trong thời gian dài, số phận của những người sống sót sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki bị che giấu và lãng quên. Năm 1956, các hiệp hội Hibakusha địa phương cùng với các nạn nhân của các cuộc thử vũ khí hạt nhân ở Thái Bình Dương đã thành lập Liên đoàn các tổ chức của những nạn nhân bom A và bom H của Nhật Bản. Tên gọi này được rút gọn thành Nihon

Hidankyo trong tiếng Nhật. Đây là tổ chức Hibakusha lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhất tại “đất nước Mặt trời mọc”. Trong 68 năm hoạt động, Nihon Hidankyo nỗ lực kêu gọi thế giới xóa bỏ vũ khí hạt nhân và vận động đất nước hỗ trợ các Hibakusha. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nihon Hidankyo đã 3 lần cử các phái đoàn đến những cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về giải trừ quân bị, tại đó những nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử đã kêu gọi “Không còn Hibakusha nữa” dựa trên kinh nghiệm đau thương của chính họ và thúc giục xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Cùng với đó, tổ chức này duy trì hoạt động đều đặn, tổ chức các cuộc triển lãm ảnh về bom nguyên tử tại LHQ và trên toàn thế giới. Tại hội nghị đàm phán về Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, trong đó cấm việc phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân, tổ chức này đã đóng vai trò trung tâm trong việc thu thập khoảng 3 triệu chữ ký và ủng hộ việc thông qua hiệp ước. Sau đó, tổ chức này tiếp tục chiến dịch “Chữ ký

Hibakusha quốc tế”, kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia hiệp ước và đã nộp khoảng 13,7 triệu chữ ký cho LHQ. Nihon Hidankyo đã đệ trình hàng nghìn lời chứng, ban hành các nghị quyết và lời kêu gọi công khai, cử các phái đoàn hàng năm tới LHQ và nhiều hội nghị hòa bình khác nhau để truyền tải đến thế giới về tính cấp thiết của việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong những năm gần đây, do tác động của dịch Covid-19 và những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử cũng già đi, các sự kiện chia sẻ kinh nghiệm về vụ việc đã phải hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô, nhưng tổ chức này vẫn thực hiện những nỗ lực chia sẻ trực tuyến lời chứng của những nạn nhân sống sót.

Đánh giá về việc Nihon Hidankyo được trao giải Nobel Hòa bình 2024, cựu Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đã mời các nhà lãnh đạo Mỹ và các quốc gia khác đến thăm Bảo tàng Bom nguyên tử tại Hội nghị thượng đỉnh G7 Hiroshima năm ngoái, bình luận: “Giải Nobel Hòa bình là sự ghi nhận cho nhiều năm nỗ lực của chúng ta nhằm truyền tải cảm xúc của những người Hibakusha và hiện thực về vụ ném bom, đồng thời hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân và hòa bình lâu dài”.

Vấn đề của toàn nhân loại

Sự kiện Nihon Hidankyo được trao giải Nobel Hòa bình đang truyền cảm hứng và giáo dục mọi người trên khắp thế giới về sự cần thiết của việc cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là một trong những mục tiêu lâu đời nhất của LHQ và đó chính là chủ đề của nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ vào năm 1946. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, kho vũ khí hạt nhân trên thế giới vẫn là con số khủng khiếp. Theo dữ liệu của LHQ, hiện có khoảng 12.705 đầu đạn hạt nhân được cất giữ trên toàn cầu. Mặc dù con số này có giảm đi so với năm 2021, nhưng có một thực tế là tất cả những nước có vũ khí hạt nhân đều đang mở rộng hoặc nâng cấp kho vũ khí, đồng thời bóng gió về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt trong chiến lược quân sự.

Đây là xu hướng đáng lo ngại và nếu các cường quốc không có hành động trong vấn đề giải trừ quân bị, kho dự trữ đầu đạn toàn cầu được dự đoán sẽ sớm tăng trở lại lần đầu tiên sau 35 năm. Các nhà nghiên cứu dự báo trong 10 năm tới, thị trường tên lửa và bom hạt nhân toàn cầu sẽ vượt mức hơn 120 tỷ USD, tức là tăng hơn 70% so với thời điểm của năm 2020. Điều đáng nói nữa là 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đều tuyên bố khẳng định “không thể thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không được xảy ra”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI - Thụy Điển), cả 5 nước này dù chính thức hoặc không chính thức đều đang hiện đại hóa kho vũ khí của họ.

Trong khi đó, các công cụ pháp lý để giám sát tiềm lực hạt nhân của hai cường quốc quan trọng nhất là Mỹ và Nga lại đang ngày càng ít đi. Sau khi Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và Hiệp ước bầu trời mở với vai trò giám sát các hoạt động quân sự và kho vũ khí của các nước, hiện chỉ còn Hiệp ước kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) là công cụ cuối cùng kiểm soát kho vũ khí hủy diệt của Nga và Mỹ. Tuy nhiên, hiệp ước này cũng chỉ có giá trị đến năm 2026 và khả năng gia hạn gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng giữa Mỹ và Nga.

Việc giải quyết các “điểm nóng” hạt nhân trên thế giới thì gặp nhiều trở ngại. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran với nhóm P5+1 gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Đức, Tehran cảnh báo sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên cũng bế tắc và Bình Nhưỡng đã tuyên bố là quốc gia hạt nhân. Xung đột gia tăng ở Trung Đông thì dẫn đến nguy cơ bùng nổ chạy đua sở hữu vũ khí hạt nhân để làm công cụ răng đe.

79 năm sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, thế giới vẫn đối mặt với nguy cơ thảm họa hạt nhân tái hiện. Đây là vấn đề của “toàn nhân loại”, như lời kêu gọi của nhà lãnh đạo tổ chức Nihon Hidankyo. Ông hy vọng giải Nobel Hòa bình này không chỉ dừng lại ở việc nhận giải, mà còn dẫn đến việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân.