Động lực để phát triển

ANTĐ - Khác biệt văn hóa có thể là cái cớ dẫn tới đối đầu và xung đột, song chính đa dạng văn hóa lại là một động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển toàn cầu.

Hiểu biết và tôn trọng văn hóa của nhau giúp con người xích lại gần hơn

Kết thúc Diễn đàn toàn cầu của Liên minh các nền văn minh LHQ (UNAOC) diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-2 tại Thủ đô Vienna của Áo, hơn 2.000 thành viên là đại diện các Chính phủ và tổ chức quốc tế trên khắp thế giới đã tái khẳng định cam kết tăng cường thúc đẩy hơn nữa đối thoại văn hóa. Các vị là người đứng đầu nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao sau những cuộc gặp để thảo luận về tình hình Syria, Mali, tiến trình hòa bình Trung Đông và tương lai của phát triển bền vững đã cho rằng cùng tôn trọng nhau, đối thoại và khoan dung là chìa khóa để giải quyết bền vững những vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay.

Chính vì thế, trong cam kết của Diễn đàn UNAOC lần thứ 5 tại Vienna công bố ngày 28-2, các thành viên tham dự một lần nữa công nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nước, thúc đẩy việc tôn trọng hơn giữa các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo. Diễn đàn cũng đã thỏa thuận thiết lập các mạng lưới cộng tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và phương tiện thông tin đại chúng để thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh khác nhau nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Kết quả trên được xem là một thành công của UNAOC – một diễn đàn được khởi xướng từ năm 2005 theo sáng kiến của Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ với sự bảo trợ của LHQ để theo đuổi mục tiêu góp phần thúc đẩy đổi thoại và hợp tác giữa các nền văn hóa, văn minh và tôn giáo, chống lại các thế lực kích động chủ nghĩa cực đoan và phân cực. Bởi chỉ cần nhìn vào vô số các cuộc xung đột đã và đang diễn ra trên khắp thế giới như các cuộc xung đột ở vùng Balkan, Kavkaz, châu Phi… và điển hình là cuộc xung đột Israel-Palesstine đã có thể thấy nguồn cơn xuất phát từ sự khác biệt sắc tộc, ngôn ngữ hay nói chung là văn hóa.

Tổng Thư ký LHQ Ban      Ki-moon cho rằng, 3/4 các cuộc xung đột lớn trên thế giới ngày nay xuất phát từ khía cạnh văn hoá. Vì thế, theo người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh này, thế giới cần giải quyết các cuộc xung đột văn hoá, nhằm làm giảm những căng thẳng - tiền đề rất quan trọng để đi tới đối thoại, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột và cả chiến tranh.

Cũng theo Tổng thư ký Ban Ki-moon, trong bối cảnh đó, văn hoá là tập hợp các giá trị, quan điểm, các mô hình ứng xử và lối sống, bác bỏ bạo lực, thúc đẩy sự khoan dung và đối thoại giữa các cộng đồng khác nhau trong tinh thần tôn trọng sự đa dạng. Vì vậy, tăng cường đối thoại giữa các nền văn minh có vai trò quan trọng và cần thúc đẩy các nỗ lực chuyển các ý tưởng này thành hành động xây dựng thế giới hoà bình.

Được Tổng thư ký LHQ bổ nhiệm làm Đại diện cấp cao của UNAOC, ông Jorge Sampaio đã nhấn mạnh tới vai trò của sự trao đổi giữa các nền văn hoá nhằm giải quyết các vấn đề nóng bỏng hiện nay của thế giới. Theo vị đại diện cấp cao là cựu Tổng thống Bồ Đào Nha này, cần tạo ra một môi trường thuận lợi và sự hợp tác mạnh mẽ hơn cho đối thoại liên văn hoá bởi điều đó giúp cho con người, các nền văn hoá, văn minh khác nhau đi tới sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau nhằm chia sẻ và cùng chung sức giải quyết các vấn đề chung cùng quan tâm.