Đồng lòng, chung sức với TP.HCM dập dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày này, TP.HCM đang nỗ lực đẩy mạnh chiến lược “2 mũi giáp công, trong đánh ra, ngoài đánh vào”, tận dụng tối đa thời gian giãn cách xã hội để nhanh chóng dập dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Cùng nỗ lực với TP.HCM là sự đồng lòng, chung sức của cả nước.
Người dân nghiêm túc chấp hành yêu cầu giãn cách tại các nơi mua bán hàng hóa thiết yếu

Người dân nghiêm túc chấp hành yêu cầu giãn cách tại các nơi mua bán hàng hóa thiết yếu

Nhanh chóng “bóc ngay” các ca F0 ra khỏi cộng đồng

Sở chỉ huy phòng, chống dịch của TP.HCM đã được thành lập, trực 24/24 giờ để nhanh chóng xử lý diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố có tên “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19” được phát động, vận động toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân thành phố đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Mục tiêu của TP.HCM là nhanh chóng “bóc ngay” các ca F0 ra khỏi cộng đồng, “giữ chặt vùng xanh” - vùng an toàn chưa có ca F0; cắt đứt chuỗi lây nhiễm “vùng đỏ” - vùng có ca F0; làm sạch địa bàn, từng bước đưa “vùng đỏ” dần xuống thành “vùng cam”, tiếp tục xuống “vùng vàng” và nhanh chóng trở về trạng thái an toàn. Để sớm phát hiện và “bóc ngay” các ca F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững “vùng xanh”, biện pháp quan trọng nhất mà thành phố tập trung thực hiện là tăng công suất lấy mẫu và xét nghiệm.

Công tác xét nghiệm được thực hiện định kỳ cho các khu phong tỏa với tần suất 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao 5-7 ngày/lần; các ổ dịch có nguy cơ rất cao thực hiện test nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện mẫu gộp 5 trên phạm vi tổ dân phố, mở rộng các khu phố đến từng gia đình. Nếu test nhanh dương tính thì các lực lượng sẽ xét nghiệm mẫu đơn bằng phương pháp Realtime RT-PCR, điều tra các trường hợp F1 để chuyển cách ly, điều trị sớm. Tuy nhiên, chiến thuật chống dịch lần này có những thay đổi với việc đến từng nhà lấy mẫu xét nghiệm. Người dân có biểu hiện ho, sốt chỉ cần gọi điện lên cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn, trong vòng 30 phút đến 1 tiếng sẽ có đội lưu động tới lấy mẫu, tránh tối đa di chuyển dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.

Với số ca mắc Covid-19 tại thành phố đã tăng cao tới trên 1.000 ca/ngày nên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày để có phương án đối phó. Bộ Y tế đã yêu cầu TP.HCM chuẩn bị 50.000 giường thu dung, điều trị Covid-19. Đến hiện tại, ngành y tế thành phố đã chuẩn bị 36.500 giường, trong đó 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị có 30.000 giường; 6.500 giường ở các bệnh viện còn lại, bao gồm 1.000 giường điều trị tích cực ở 4 bệnh viện điều trị tuyến cuối là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện 115.

Nhiều bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện của TP.HCM đã được chuyển đổi công năng để thu dung điều trị các bệnh nhân nhiễm nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, với chủng virus Delta, có nhiều bệnh nhân từ không có triệu chứng chuyển biến nặng khá nhanh, do đó, các bệnh viện thu dung cũng sẵn sàng phương án để chuyển các trường hợp này lên tuyến trên một cách kịp thời. Cùng với số ca nhiễm tăng kéo theo số người F1 cần cách ly tập trung cũng tăng theo. Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP.HCM đang thí điểm việc cách ly F1 tại nhà. Sở Y tế thành phố đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ giám sát tại nhà để triển khai cách ly tại nhà với các trường hợp đủ điều kiện trong thời gian tới nhằm giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung.

Triển khai nhanh công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế

Cùng với nỗ lực khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả dập dịch của TP.HCM có sự đồng lòng, chung sức của cả nước. Tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định sẽ dành những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thì cam kết: “TP.HCM thiếu bao nhiêu nhân lực, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ bấy nhiêu”.

Ngoài việc đã điều 25 lãnh đạo các cục, vụ vào trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện của TP.HCM, Bộ Y tế còn có 4 phương án và kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực cho thành phố. Trong đó, bộ sẽ điều khoảng 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm cho bệnh viện chuyên hồi sức với công suất 1.000 giường; điều khoảng 800 điều dưỡng theo yêu cầu của thành phố. Với các bệnh viện dã chiến thu dung các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, Bộ Y tế dự kiến huy động 472 bác sĩ và 875 điều dưỡng; điều động 500 người truy vết, lấy mẫu theo thành phố yêu cầu.

Để bảo đảm sinh hoạt của người dân, TP.HCM đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương phối hợp cùng thành phố thực hiện “luồng xanh” nhằm phục vụ các phương tiện vận chuyển thiết yếu. Trước đó, TP.HCM đã có công văn gửi các tỉnh Đông Nam bộ tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia trong thời gian giãn cách xã hội; đề nghị các địa phương tổng hợp, cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng thiết yếu, xe chở người lao động… để cấp giấy nhận diện phương tiện.

Song song với công tác phòng, chống dịch, TP.HCM cũng triển khai nhanh công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt giãn cách. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội của hệ thống mặt trận thành phố các số điện thoại tiếp nhận phản ánh của nhân dân về đề nghị hỗ trợ đối với các trường hợp khó khăn do dịch Covid-19, nhằm đảm bảo không để sót, lọt bất cứ người dân nào phải chịu cảnh khó khăn, đói khổ. Theo đó, mọi người dân trên địa bàn thành phố phát hiện những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt cần hỗ trợ; người dân gặp khó khăn nằm ngoài 6 nhóm đối tượng chịu tác động do Covid-19 được hỗ trợ trong gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của thành phố, có thể thông tin đến các số điện thường trực của mặt trận thành phố.

Đồng thời, thành phố chủ động nắm bắt khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Người dân có thể mua nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu bằng các hình thức phù hợp như nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng tình nguyện viên (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các hội, nhóm tình nguyện); trực tiếp đặt hàng qua điện thoại. Người già, người neo đơn, người bệnh... được cung cấp thức ăn miễn phí.

Để đảm bảo nhu cầu mua thực phẩm chế biến sẵn, thành phố yêu cầu hệ thống phân phối (SaiGon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách hóa xanh, VinMart, Family Mart…) tăng lượng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đầy đủ số lượng, đa đạng chủng loại, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời phối hợp với hệ thống giao hàng online cùng các hình thức phân phối trực tiếp đến tay người dân khi có yêu cầu. Đến nay, nguồn thực phẩm dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ quả luôn được ưu tiên.

Những câu “không ai bị lãng quên”, “không ai bị bỏ lại phía sau” hay “không để ai bị đói trong những ngày dịch bệnh” không chỉ là những câu khẩu hiệu, mà đã được từng người TP.HCM tâm niệm, cùng chung sức thực hiện. Kết quả sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg cho thấy TP.HCM đang đi đúng hướng.