Động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ, 138 người chết

ANTĐ - Một trận động đất kinh hoàng với cường độ 7,2 độ ricter đã xảy ra tại thành phố Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 138 người thiệt mạng và nhiều người vẫn còn mắc kẹt trong đống đổ nát hoặc mất tích.

Các nhân viên tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang nỗ lực để giải thoát những nạn nhân còn nằm trong các tòa nhà bị sụp đổ.

Hàng chục nghìn người dân tại thành phố miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ xuống đường, gào thét, gọi điện tìm người thân của mình bị mắc kẹt trong các tòa nhà văn phòng bị trận động đất phá hủy hoàn toàn. Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn được huy động tối đa, sử dụng mọi thiết bị có thể để bới các đống đổ nát, thậm chí bằng cả tay không. Quận trưởng quận Celebibag cho biết: “Vẫn còn rất nhiều người mắc kẹt, họ đang ở trong tìn trạng rất xấu, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng kêu thét của họ từ phía dưới lớp đất gạch”.

Thành phố Ercis, với 75.000 dân, biên giới với Iran, nơi tâm chấn của trận động đất bị phá hủy nặng nề nhất. Thời điểm vụ thảm họa xảy ra là vào 10h 41 phút sáng (giờ quốc tế) tức khoảng 17h 41 phút giờ Việt Nam ngày Chủ nhật, 23/10.

 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan cho biết đã có báo cáo về 93 người chết tại thành phố Van (90 km về phía nam của Ercis), 45 người chết tại Ercis và khoảng 350 người bị thương. Ngoài ra còn nhiều người khác vẫn bị mắc kẹt nên con số nêu trên có thể vẫn còn tăng cao.

Thủ tướng Erdogan cho biết, lực lượng cứu nạn đã làm việc suốt đêm để tìm kiếm người mắc kẹt trong 80 ngôi nhà bị sụp đổ tại Ercis và 10 ngôi nhà khác tại.

 

Theo báo cáo của các cơ quan địa chấn Mỹ thì chỉ trong vòng 10 tiếng đồng hồ kể từ khi trận động đất xảy ra đã có tới hơn 100 cơn dư chấn, mà có cơn dư chấn mạnh tới 6 độ richter. Các cơ quan chức năng yêu cầu người dân tránh xa các ngôi nhà có nguy cơ đổ sụp bất kỳ lúc nào.

Những người dân tại 2 thành phố Van và Ercis đã được sơ tán vào khu vực một sân vận động,  nơi tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tại Thổ Nhĩ Kỳ lập lều trại. Một số khác thì đã di tản tới các khu vực lân cận để lãnh nạn.
 

 

Lực lượng cứu nạn đã phải sử dụng các máy phát điện cỡ lớn để phục vụ việc tìm kiếm nạn nhân. Các loại máy móc hiện đại nhất cũng được đưa ra hiện trường để di chuyển các khối gạch đá lớn. Người dân cũng đã tới hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ và cho biết đã tìm giải thoát được 8 người bị mắc kẹt, song các cơn dư chấn làm cho tình hình càng tồi tệ hơn. Vào nửa đêm thì một bé gái được giải cứu khỏi đống đổ nát của ngôi nhà 8 tầng.

Thủ tướng Erdogan gửi lời chia buồn tới các gia đình nạn nhân xấu số và những người còn bị mất tích. Ông đồng thời khẳng định sẽ làm tất cả những gì có thể để trợ giúp người dân tại đây. Gần 1300 lính cứu hộ đã được huy động từ 38 tỉnh, thành lân cận về Van và Ercis; Thủ tướng cũng cho biết quân đội sẽ sớm được cử tới đây.

 

Tại thành phố Ercis, các máy móc hạng nặng đã được tạm dừng, người dân được yêu cầu giữ im lặng để lực lượng cứu hộ lắng nghe những tiếng kêu cứu của người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của một căn nhà 7 tầng, nơi sinh sống của 28 hộ dân.

Còn tại một nhà tù ở Van, đã có khoảng 150 tù nhân bỏ trốn sau khi tường bao bảo vệ sụp xuống, nhưng phần lớn tù nhân sau đó đã quay trởlại.

Ông Nazmi Gur, một nhân viên tư pháp ở thành phố Van đã cắt ngắn đám tang của cháu gái mình khi trận động đất xảy ra để tham gia giải cứu người bị nạn. “Chúng tôi đã cứu được một vài người nhưng cũng đã phải nhìn thấy 5 người xấu số không qua khỏi cơn nguy kịch. Thật kinh hoàng khi trận động đất lại kéo dài tới như vậy. Giờ đây chúng tôi không có điện, không có hệ thống sưởi ấm mà nhiệt độ bên ngoài thì đang xuống thấp”.

 

Cơ quan chức năng tại hai thành phố Van và Ercis đã huy động trực thăng tới các ngôi làng ở xa để tiếp tế chăn màn và lều trại.

Trận động đất kinh hoàng cũng lan rộng tới tận Amernia và Iran. Tại thủ đô Yerevan, cách thành phố Ercis 160 km, người dân cũng cảm nhận thấy chấn động mạnh. Họ hoảng sợ, bỏ xuống đường nhưng không có bất kỳ báo cáo nào về thiệt hại. Đất nước Armenia cũng đã từng phải chịu một trận động đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 25.000 người vào năm 1988.

Trong khi đó, tại Iran, người dân một số thị trấn gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra lo lắng khi xuất hiện các vết nứt trên tường của một số căn nhà.

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama đã sớm có lời chia buồn với chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng tôi sẽ vai kề vai với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong thời khắc khó khăn và đau thương này. Chúng tôi đã sẵn sàng giúp đỡ các bạn”.

 

Tổng thống Israel, Shimon Peres cũng đã điện đàm với Tổng thống Abdullah Gul của Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ lời giúp đỡ người dân nước này. “Israel chia sẻ nỗi đau của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẵn sàng huy động bất kỳ sự trợ giúp có thể tới bất kỳ nơi nào mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu”.

Hy Lạp, đất nước đang có tranh chấp vùng lãnh thổ đảo Síp với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gửi lực lượng tìm kiếm cứu nạn tới đây.

Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trên khu vực có hoạt động địa chấn mạnh. Năm 1999, hai trận động đất với cường độ 7 độ richter tại miền Tây Bắc nước này đã cướp đi sinh mạng của 18.000 người. Năm 2003, 177 người thiệt mạng trong trận động đất 6,4 độ richter ở thành phố Bingol và tháng 3-2010, 51 người chết trong trận động đất 6 độ richter tại miền Đông. Các nhà khoa học đã cảnh báo chính phủ nước này trước các trận động đất trong tương lai có thể xảy ra tại thủ đô Istanbul, nơi có tới hàng triệu người sinh sống.