“Đóng cửa phố Wall”

ANTĐ - Những người biểu tình dấy lên phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” không chỉ muốn chiếm mà còn muốn đóng cửa phố Wall, biểu tượng của giới tư bản tài chính vốn được xem là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay ở nước Mỹ.

Phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” lan tới thành phố công nghiệp Chicago

Đã bước sang tuần thứ tư kể từ khi khởi phát ngày 17-9 vừa qua ở Phố Wall trên khu phố Mahattan - trái tim tài chính của “thủ đô“ kinh tế New York, phong trào biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Trái lại nó nhanh chóng lan ra tới hơn 150 thành phố không chỉ ở nước Mỹ mà còn ở Canada, châu Âu và Nhật Bản.

Tại nước Mỹ, từ chỗ chỉ vài chục người tham gia ban đầu với chủ yếu là thanh niên thì nay phong trào biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” đã thu hút hàng nghìn người thuộc đủ các thành phần. Đông đảo và tích cực nhất, tất nhiên vẫn là những người nghèo, người thất nghiệp vốn chịu tác động tiêu cực nhất của cuộc suy thoái kinh tế cùng các nhà hoạt động xã hội.

Sức lan toả, sự phát triển của phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Bởi không như những đánh giá ban đầu cho rằng cuộc biểu tình tự phát với vài chục người tham gia này sẽ nhanh chóng tan biến trong ngồn ngộn công việc và sự kiện diễn ra mỗi ngày tại quốc gia giàu mạnh nhất thế giới này.

Lý giải về sự bùng phát của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”, giới phân tích cho rằng cuộc biểu tình này đã khơi ra nỗi bức xúc lớn nhất của tuyệt đại đa số người dân Mỹ đối với giới tài chính và ngân hàng Mỹ. Chính sự tham lam của những người được xem là thuộc lớp người giàu có nhất nước Mỹ này đã gây ra cuộc khủng hoảng song người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất lại là những người nghèo.

Phố Wall được coi là nơi sở hữu nhiều tiền của nhất, nhiều quyền lực nhất nhưng cũng là nơi tham nhũng nhất trong hệ thống tài chính tư bản chủ nghĩa Mỹ. Ấy vậy mà các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ lại chủ yếu đổ vào cứu giới chủ ngân hàng và các tổ chức tài chính - những kẻ gây ra khủng hoảng - trong khi lại bắt những gia đình có thu nhập trung bình phải è cổ gánh chịu các chi phí này.

Bên cạnh đó, sự bùng phát của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” còn phơi bày mặt trái của điều gọi là “Giấc mơ Mỹ”. Những người biểu tình cho rằng Phố Wall là nơi điển hình của sự bất công và “đại diện cho 99% người dân Mỹ không thể tiếp tục tha thứ cho sự tham lam và vô trách nhiệm của 1% đang độc chiếm quyền lực và tài sản của nước Mỹ”.

Lý tưởng phản đối sự bất công, chênh lệch giàu nghèo... của những người khởi xướng phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” vì thế đã lôi cuốn thêm nhiều tầng lớp nhân dân, tổ chức công đoàn, tổ chức xã hội tham gia. Được sự tiếp sức của đông đảo người dân Mỹ,  phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đang có thêm động lực để tiến thêm bước mới là “Đóng cửa Phố Wall” như tuyên ngôn của những biểu tình: “Chúng tôi sẽ không nhổ trại cho tới khi đóng được cửa Phố Wall”.