Động cơ khiến hàng nghìn người di cư Haiti ào ạt đổ sang nước Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bạo lực băng đảng, các cuộc biểu tình đẫm máu, tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu cộng với thiên tai đã thúc đẩy hàng nghìn người rời bỏ Haiti - quốc gia nghèo nhất phương Tây rồi mắc kẹt ở biên giới Mexico - Mỹ.
Người di cư Haiti vượt sông Rio Grande từ Mexico sang Mỹ

Người di cư Haiti vượt sông Rio Grande từ Mexico sang Mỹ

Các nhà chức trách ở thị trấn Del Rio thuộc bang Texas, Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại địa phương hôm 17-9 sau khi khoảng 12.000 người di cư - hầu hết đến từ Haiti - tụ tập xung quanh một cây cầu ở biên giới với Mexico. Dòng người này đã khiến các quan chức địa phương choáng ngợp, tạo ra thách thức mới với chính quyền của Tổng thống Joe Biden, đồng thời cho thấy cuộc khủng hoảng di cư ngày càng gia tăng, mà nguyên nhân từ những thảm họa liên tiếp bủa vây Haiti.

Đối với nhiều người di cư, băng qua sông Rio Grande chỉ là bước nhỏ cuối cùng trong chuyến phiêu lưu vòng quanh vùng Caribe và Nam Mỹ để tới Mỹ. Hầu hết số người này bay từ Haiti đến Ecuador, đất nước không yêu cầu thị thực đối với du khách Haiti, trước khi cố gắng tìm việc ở Brazil, Chile hay đi về phía Bắc, băng qua những khu rừng rậm rạp đến Trung Mỹ và Mexico. Ở mỗi hành trình này, họ đều nằm trong tầm ngắm của lực lượng an ninh và các nhóm tội phạm có tổ chức nhắm vào khách du lịch.

Guy là một trong số hàng nghìn người di cư, chủ yếu là người Haiti, gần đây đã bị mắc kẹt ở Necoclí, một thị trấn ven biển của Colombia. Trước đó lúc còn ở quê nhà, mỗi đêm Guy bắt đầu chợp mắt thì nghe tiếng súng, thường là do các băng nhóm gây chiến ở ngay trung tâm Thủ đô Port-au-Prince. Cho đến một hôm, các cuộc biểu tình chống tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu nổ ra và cảnh sát đã phản ứng bằng hơi cay và dùi cui. “Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi Haiti”. Guy bắt đầu lên kế hoạch đến Mỹ - và anh không đơn độc. Giống như nhiều người khác, Guy đã sống ở Brazil, làm công nhân xây dựng nhưng việc làm thì cạn kiệt, trong khi chính quyền Mỹ ngỏ ý hoan nghênh người nhập cư, nên anh đã lên đường về phía bắc.

Những người khác đã chọn một cuộc hành trình đến Mỹ trực tiếp hơn, nhưng không kém phần nguy hiểm, đó là đường biển và đã có người mất mạng vì điều này. Tuần trước, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã chặn một chiếc thuyền dài 10m nhưng chở tới 103 người, cách bờ biển Florida khoảng 30km. Họ đã ở trên biển trong 6 ngày.

Có rất nhiều lý do để công dân Haiti rời bỏ đất nước mình. Quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu lâu nay liên tục trải qua bạo lực, tham nhũng và nghèo đói lại càng thêm bất ổn sau vụ Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát bí ẩn hồi tháng 7-2021. Thiên tai trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và quy hoạch kém cũng thường xuyên dẫn đến hậu quả tồi tệ khác. Một trận động đất thảm khốc xảy ra ở miền Nam Haiti hôm 7-8, khiến ít nhất 2.200 người thiệt mạng và hơn 30.000 người mất nhà cửa.

Ở Thủ đô Port-au-Prince, sự bất an đang kéo dài. Các băng đảng, thường được sự hậu thuẫn chính trị, đã phát động một chiến dịch bạo lực nhằm tranh giành quyền lực. Thường dân có thể bị kẹt trong các trận hỏa hoạn, cướp bóc hay bị bắt cóc để đòi tiền chuộc. Trong khi đó, các dịch vụ công đều vắng bóng người. Rác không được thu gom, và hàng nghìn ngôi nhà không có nước sinh hoạt hoặc nhà vệ sinh. “Không còn cuộc sống bình thường ở Port-au-Prince nữa. Có 165 băng đảng ở thành phố này và chúng được trang bị vũ khí tốt hơn cảnh sát”, Louis Henry Mars, người điều hành sáng kiến xây dựng hòa bình tại các khu ổ chuột do băng đảng kiểm soát ở Thủ đô cho biết.

Ông Micelle Mittelstadt từ Viện Chính sách Di cư cho biết, nhiều người tìm đường sang Mỹ do nghĩ rằng chính quyền của ông Joe Biden sẽ đối xử tử tế hơn với những người di cư so với người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng đó là một sai lầm. Chính quyền Mỹ hiện đã hủy bỏ lệnh tạm hoãn trục xuất đến Haiti mà họ đã áp dụng sau trận động đất. Các chuyến bay chở đầy người di cư đã bắt đầu khởi hành đến Port-au-Prince trong tuần trước và lực lượng chức năng Mỹ sẽ làm ráo riết hơn trong thời gian sắp tới.