Dòng chảy kiều hối chững lại

ANTD.VN - Tính đến hết năm 2016, lượng kiều hối “chảy” về TP.HCM (địa bàn thu hút gần 60% kiều hối của cả nước) chỉ đạt 5 tỷ USD. Con số này khiến nhiều dự báo lo ngại kiều hối “chảy” về Việt Nam sụt giảm so với dự kiến. 

Dòng chảy kiều hối chững lại ảnh 1

Tín hiệu bất thường

Ngay từ đầu tháng 12-2016, thông tin về tình hình kiều hối về TP.HCM đã cho thấy những tín hiệu bất thường. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM thông tin, tính đến hết tháng 11-2016, lượng kiều hối chuyển về địa bàn này mới đạt khoảng 4,36 tỷ USD. Đại diện NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, đây là tín hiệu dự báo khả năng kiều hối cả năm sẽ không đạt như dự kiến.

Lý giải về nguyên nhân kiều hối sụt giảm, các chuyên gia cho rằng, lượng kiều hối từ Mỹ chiếm khoảng 60% trong tổng lượng kiều hối của Việt Nam. Khi thị trường này biến động sẽ tác động lớn đến tổng lượng kiều hối. Trong khi đó, ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11-2016 và tâm lý giữ đồng USD với kỳ vọng lãi suất USD tại Mỹ sẽ tăng khiến lượng USD từ địa bàn này chuyển về Việt Nam sụt giảm. 

Cụ thể hơn, theo Phó Giám đốc một ngân hàng cổ phần, việc kiều hối giảm trước hết phải nói tới ảnh hưởng từ quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Dù việc tăng lãi suất của cơ quan này vừa được đưa ra tháng 12-2016, nhưng bước đi này của FED đã được đoán định từ trước đó rất lâu với nhiều tín hiệu vững chắc.

Ngoài ra, FED còn để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên thêm 3 lần trong năm nay. Do đó, những nhà đầu tư cũng như Việt kiều tại Mỹ sẽ phải tính toán, cân nhắc nhất là khi lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam hiện nay đang ở mức 0%. Sau vấn đề tăng lãi suất của FED, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump cùng chính sách ủng hộ nâng cao giá trị đồng USD của ông cũng là nhân tố khiến cho dòng kiều hối về Việt Nam giảm.

Hiện NHNN chưa đưa ra con số chính xác về lượng kiều hối trên địa bàn cả nước, song với diễn biến tại địa bàn TP.HCM, nhiều dự báo cho rằng, tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2016 dự kiến chỉ đạt khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với dự báo hồi đầu năm là 11-12 tỷ USD. Nếu dự báo trên đúng như thực tế thì năm 2016 sẽ là năm đầu tiên lượng kiều hối sụt giảm so với năm trước đó.

“Chảy” vào sản xuất kinh doanh

TS. Đỗ Thị Thủy, Ngân hàng TMCP Công Thương cho biết, kiều hối vào Việt Nam từ những năm 1980, chủ yếu là tiền gửi về của người Việt định cư ở nước các nước Mỹ, Canada, Australia và Pháp. Nhưng từ năm 1990, kiều hối bao gồm cả tiền gửi của chuyên gia lao động, lao động xuất khẩu và người đi học tập ở nước ngoài gửi về. Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam sống, làm việc ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra có khoảng nửa triệu công nhân Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc qua chương trình xuất khẩu lao động.

“Tổng số kiều hối năm 2016 chuyển về Việt Nam qua hệ thống các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 5 tỷ USD. Mức kiều hối nêu trên thấp hơn 10% so với năm 2015 (5,5 tỷ USD). Tuy nhiên, lượng kiều hối về TP.HCM trong năm 2016 tăng lên mức gần 60% trong tổng lượng kiều hối trên toàn quốc, tăng mạnh so với năm 2015 chỉ chiếm khoảng 45%-47%”. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh,(Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM)

Từ năm 1993 - 2014, tổng lượng kiều hối vào Việt Nam đạt khoảng trên 77 tỷ USD, bình quân đạt khoảng 4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 6% GDP. Lượng kiều hối đã tăng bình quân khoảng 20%/năm và tăng gần như liên tục qua các năm; chỉ bị ngắt quãng (giảm xuống) trong 2 năm là năm 1997 (do khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Nam Á) và năm 2009 (do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới). 

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia hút kiều hối lớn trên thế giới. Điều này có được là do Chính phủ Việt Nam cũng như các ngân hàng thương mại trong nước đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích thu hút kiều hối. Và nguồn kiều hối đã và đang góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế đất nước.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, giai đoạn từ 2012-2014, tổng lượng kiều hối về Việt Nam ở mức 10-12 tỷ USD/năm. Năm 2015 Việt Nam đã đón khoảng 12,2 tỷ USD kiều hối, đứng thứ 11 trên thế giới, xếp thứ ba khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong danh sách các nước nhận kiều hối nhiều nhất. 

Việc kiều hối năm 2016 có khả năng sụt giảm cũng là tình hình chung của nhiều quốc gia nhận nhiều kiều hối. Báo cáo mới nhất của WB cho hay, Ấn Độ vốn là quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới trong năm 2015 cũng được dự báo sẽ giảm 5% năm 2016. Các quốc gia khác như Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka cũng lần lượt được dự báo giảm 3,5%, 5,1% và 1,6% dòng kiều hối chuyển về.

Năm 2016, kiều hối có dấu hiệu suy giảm nhưng theo thống kê của NHNN Chi nhánh TP.HCM, khoảng 70% kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh; 20% chảy vào bất động sản; còn lại là các hoạt động khác như chi tiêu của người thân, gia đình… Một điểm đáng chú ý khác là tỷ lệ kiều hối được người nhận chuyển đổi ngay từ ngoại tệ qua tiền đồng có xu hướng tăng, từ mức 31,2% của năm 2015 lên mức 33,4% trong năm 2016.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối của Việt Nam năm 2016 giảm, dù được bù lại phần nào bằng sự gia tăng vốn FDI thực hiện, xuất siêu và tăng mạnh du lịch… Nhưng nguồn vốn giá rẻ giảm sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm và có ảnh hưởng nhất định tới tạo công ăn việc làm, cải thiện nhà ở, y tế, giáo dục, ổn định đời sống người dân và động lực tăng trưởng kinh tế. Sự sụt giảm kiều hối cùng với dòng chảy ngược USD ra nước ngoài khá lớn còn tạo áp lực kép về giảm tổng cung ngoại tệ của Việt Nam, gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.

“Thời gian tới, NHNN và các cơ quan chức năng cần xem xét toàn diện và tổng thể tình hình trong nước và quốc tế, tính tới sự đồng bộ và tác động hai mặt của chính sách, tiếp tục hoàn thiện quản lý ngoại hối nói riêng, môi trường đầu tư nói chung, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền khơi thông dòng kiều hối về nước”, TS Nguyễn Minh Phong đề xuất.