Đồng bộ và đồng thuận

ANTĐ - Bình luận về con số nước ta bắt đầu nhập siêu trở lại với giá trị 300 triệu USD trong tháng 3, Bộ Công Thương nhận định đây là tín hiệu chứng tỏ các doanh nghiệp đang dần phục hồi năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 23,5% kế hoạch và cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được Quốc hội thông qua là 10%. Đây quả là những tin vui trước hy vọng nền kinh tế đang dần có biến chuyển tốt và sản xuất đang phục hồi. 

Tín hiệu phục hồi có thể nhìn thấy ở kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt mức tăng cao tới 31,8%; xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2012. Nổi bật hơn cả là chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng khả quan đạt 4,9%, trong khi xu thế nhập siêu đã quay trở lại. Nhưng đây không phải là nỗi lo nhập siêu như nhiều năm trước đây, mà là doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu. Chỉ số tồn kho cũng đang có chiều hướng giảm, sản xuất có chiều hướng tăng, một số ngành đã có đơn đặt hàng tới quý II, quý III. Thị trường trong nước cũng có tín hiệu bớt ảm đạm hơn tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Sự vào cuộc tích cực của lực lượng quản lý thị trường đã củng cố phần nào niềm tin của người tiêu dùng như xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm rởm, bắt giữ hàng nghìn tấn xăng, dầu nhập lậu qua đường biển… Tuy nhiên, diễn biến thị trường giá cả được giới chuyên gia nhìn nhận là thiếu “tế nhị”. Chẳng hạn, phiên đấu thầu vàng miếng hầu như chỉ có ý nghĩa khuyếch trương “thanh thế” của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý một kho vàng dồi dào, để thị trường có thể yên tâm về nguồn cung vàng không bao giờ thiếu, trong bối cảnh một thời gian dài thị trường này luôn trong tình trạng thiếu cung. Tuy mới chỉ có 2/21 tổ chức tham gia đấu thầu đã trúng thầu với tổng khối lượng 2.000 lượng, một chỉ số còn khiêm tốn so với đòi hỏi của thị trường, nhưng tương lai con số này chắc chắn sẽ thay đổi. Bên cạnh đó, trước thông tin nợ xấu đã giảm từ 8,8% trong tháng 9-2012 xuống còn 6% trong tháng 2 vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ niềm vui về những nỗ lực trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhưng đồng thời cũng khuyến nghị cần đưa ra con số chính xác và thực chất vấn đề nợ xấu. 

Giải pháp của mọi giải pháp đối với nền kinh tế lúc này là Chính phủ khôi phục được niềm tin. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, có thể đạt được mức lạm phát năm nay thấp hơn năm 2012, nếu chính sách ổn định và nhất quán, điều hành nền kinh tế có sự đồng bộ và đồng thuận.