Đồng bộ các biện pháp “chặn” hỏa hoạn

ANTĐ - Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về phòng cháy; thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho người đứng đầu, cán bộ phụ trách PCCC ở cơ sở; nỗ lực rèn quân, luyện nghiệp vụ... đó là phương pháp, cách làm hiệu quả giúp Phòng Cảnh sát PC&CC Thanh Trì hạn chế hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn.
Đồng bộ các biện pháp “chặn” hỏa hoạn ảnh 1
Phòng Cảnh sát PC&CC Thành Trì đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng cháy

“Tháo” từng việc khó

Từ đầu năm 2013 đến nay, Thanh Trì là một trong số các địa bàn tại Hà Nội xảy ra ít hỏa hoạn, đặc biệt không có cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đại tá Trần Xuân Thế - Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC Thanh Trì, Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội bộc bạch: Từ chỉ huy đến CBCS luôn xác định rõ tinh thần: “Làm hết việc chứ không hết giờ” và “Phòng cháy hơn chữa cháy”. Phương châm công tác ấy giúp từng đội nghiệp vụ: Tổng hợp, Hướng dẫn kiểm tra an toàn phòng cháy, Chữa cháy chuyên nghiệp, Cứu nạn cứu hộ... đều quyết tâm làm tốt từng mảng, phần việc được giao.    

Xác định rõ các phần việc trọng tâm đó, chỉ huy đơn vị đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tập trung giải quyết dứt điểm từng “việc khó”. Việc khó trong công tác PCCC có thể hiểu là những cơ sở trọng điểm, khu vực nhạy cảm có nguy cơ hỏa hoạn cao như: Khu dân cư, cụm - khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kho tàng... Dựa trên đặc thù từng cơ sở trọng điểm mà Phòng Cảnh sát PC&CC Thanh Trì sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện thí điểm triển khai các mô hình liên kết an toàn PCCC, với cách làm đồng bộ, hiệu quả. 

Dẫn chứng từ mô hình “An toàn PCCC tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi”, chỉ huy Đội hướng dẫn kiểm tra an toàn phòng cháy cho biết: Ngay khi triển khai mô hình, Ban quản lý Cụm công nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát PC&CC Thanh Trì thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC cho toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động, người dân trong cụm công nghiệp để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện công tác PCCC. Gần 100 lớp tuyên truyền được mở, thu hút gần 3.000 lượt cán bộ, công nhân viên, người dân tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi tham gia. Tuyên truyền được triển khai sát với thực tế, công việc của công nhân làm việc tại đây như: đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện, gas, thắp hương thờ cúng, các khuyến cáo về đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ quan, đơn vị, kho tàng, xưởng sản xuất của các doanh nghiệp nằm trong cụm, nhờ đó nâng cao ý thức PCCC cho chủ, công nhân, góp phần đẩy lùi hỏa hoạn. 

“Nâng” trách nhiệm cho lực lượng cơ sở

Đại tá Trần Xuân Thế - Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC Thanh Trì thẳng thắn: Qua “mổ xẻ”, rút kinh nghiệm một số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua có thể thấy, “chất lượng” đội ngũ PCCC cơ sở, trang bị phương tiện PCCC ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; công tác kiểm tra, tuần tra, trực gác đêm của bảo vệ còn lơ là, thiếu chặt chẽ. Phòng Cảnh sát PC&CC Thanh Trì đã mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho người đứng đầu, cán bộ phụ trách PCCC các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, thường xuyên đổi mới các bài giảng, bài nói chuyện, “đánh trúng” những sơ hở, thiếu sót, tồn tại về công tác phòng cháy.

Một yếu tố quan trọng giúp “kéo” giảm hỏa hoạn ở địa bàn, chính là sự chủ động trong rèn quân, luyện nghiệp vụ của CBCS trong đơn vị - chỉ huy Phòng Cảnh sát PC&CC Thanh Trì nhận định. Để nâng cao ý thức tự giác của CBCS, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC Thanh Trì luôn xác định vai trò đầu tàu gương mẫu của đội ngũ chỉ huy. Lãnh đạo phòng, chỉ huy các đội luôn “xắn tay” cùng CBCS làm mọi việc, từ kiểm tra phương tiện chiến đấu, ứng trực, rèn luyện thể chất, đến các hoạt động sinh hoạt tập thể… Chính nhờ cách làm đồng bộ ấy, Phòng Cảnh sát PC&CC Thanh Trì đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, đảm bảo tốt an toàn PCCC trên địa bàn.