Donetsk, Lugansk kêu gọi Ukraine chấp nhận "thể chế đặc biệt" ở miền đông

ANTĐ - Trong cuộc toạ đàm ở Minsk, Belarus, đại diện của Cộng hoà Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) đã cho biết, họ vẫn muốn là một phần của đất nước Ukraine, tuy nhiên kêu gọi Kiev chấp nhận “thể chế đặc biệt” tại miền đông.

Lời phát biểu đầu tiên của lực lượng li khai khẳng định rằng, nếu Kiev đảm bảo cho họ một quyền lợi đặc biệt, thì hai nước Cộng hoà Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk sẽ tiếp tục trở thành một phần của Ukraine.

Tuyên bố này có thể được hiểu là DPR và LPR đang muốn tìm kiếm một thể chế tự trị, mặc dù vẫn thuộc về nhà nước Ukraine.

DPR và LPR vẫn muốn là một phần của Ukraine nhưng dưới thể chế tự trị tại miền đông

Phó Thủ tướng của DPR Andrey Purgin đã giải thíc rằng: “Tất cả việc làm sẽ là để bảo vệ cho an ninh chung của Ukraine, người dân miền đông sẽ tái thiết kinh tế, văn hoá và quan hệ xã hội sau chiến tranh với nhà nước Ukraine, và cũng sẽ không khẳng định chủ quyền trên bất kì vùng đất nào khác của Ukraine”.

LPR và DPR cũng kêu gọi chính phủ Ukraine chấm dứt chiến dịch quân sự tại miền đông, nhằm tiến tới việc hình thành quốc hội và thực hiện bầu cử trong khu vực.

Văn kiện mà phe li khai gửi lên cũng thúc giục Kiev “chấp nhận quyền sử dụng tiếng Nga như một ngôn ngữ chính thức trong lãnh thổ của nước Cộng hoà Nhân dân”.

Sau khi chính quyền tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ vào tháng 3-2014, chính phủ mới đã thiết lập ngay luật pháp mới trong đó hạn chế việc sử dụng tiếng Nga. Mặc dù điều này chưa thực sự có hiệu quả, nhưng đây chính là một trong những nguyên nhân gây nên cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

DPR đã đề xuất ra phương án chấm dứt chiến tranh và tái thiết lại miền đông Ukraine

Trước khi buổi toạ đàm diễn ra, Thủ tướng Purgin đã gửi đến Minsk một bản dự thảo về việc chấm dứt các hành động quân sự để giảm thiểu số nạn nhân bị ảnh hưởng.

Bản kế hoạch này gồm 8 điểm, trong đó bao gồm phương án thành lập nên một hội đồng có trách nhiệm soạn thảo một phương án hoà bình và xây dựng lại miền đông.

Ông Purgin cũng cho biết, ông không hi vọng vào một sự đột biến trong việc giải quyết tình hình sau cuộc họp của “nhóm liên lạc” giữa các bên trong cuộc khủng hoảng.

Đại diện của Nga, OSCE và Kiev đều có mặt trong buổi toạ đàm kéo dài một vài giờ ở Minsk. Cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 5/9 tới.