Gặp nạn do trò chơi cảm giác mạnh:

Đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm

ANTĐ - Nhằm thu hút khách, đặc biệt là khách trong độ tuổi thanh thiếu niên, một số công viên, trung tâm giải trí đã đầu tư một số trò chơi cảm giác mạnh như tàu lượn siêu tốc, đu quay tốc độ nhanh, đu vây văng… Tuy vậy, nếu không thận trọng trong việc lựa chọn trò chơi, người chơi có thể phải trả giá bằng cả tính mạng.

Đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm ảnh 1Khi cho trẻ tham gia trò chơi cần nhắc trẻ thắt dây an toàn

Gặp nạn vì trò chơi

Gần đây nhất, vào tối 13-3, tại khu vui chơi Nhà văn hóa thiếu nhi Cà Mau đã xảy ra vụ tai nạn khá nghiêm trọng. Hai em nhỏ 10 và 14 tuổi ở phường 8, TP. Cà Mau đang chơi tàu lượn siêu tốc trong khu vui chơi thì bất ngờ toa tàu bị trượt đường ray khiến hai em văng xuống đất bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. 

Đáng buồn là sự việc trên không phải hi hữu. Vào cuối tháng 9-2014, tại tổ hợp giải trí lưu động Max Carnival (TP Hạ Long, Quảng Ninh), hàng trăm người đến chơi vui tại đây gặp phen hốt hoảng khi một cabin của chiếc đu quay chở 3 bố con bỗng dưng văng ra ngoài, rơi xuống đất khiến cả 3 đều bị thương. Trước đó, tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), khi 12 học sinh của một trường THCS ở Hà Nội đang chơi đu quay thì hệ thống máy móc gặp sự cố khiến chiếc đu quay bất ngờ rơi tự do từ độ cao 2m. 6 em học sinh có dấu hiệu bị đau nên đã được chuyển đến cơ sở y tế gần đó để điều trị. Nghiêm trọng hơn là vụ tai nạn gây chết người tại một khu du lịch sinh thái ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Chị T.T.P (ở Bình Định) khi chơi trò “Đu dây Tarzan” cảm giác mạnh đã rơi xuống sông tử vong.

Trước các vụ tai nạn nêu trên, nhiều phụ huynh đã tỏ ra lo ngại về sự an toàn tại các khu vui chơi công cộng, đặc biệt là những nơi dành cho trẻ nhỏ. Khảo sát một số điểm vui chơi công cộng như Vườn thú Hà Nội, công viên Thống Nhất, công viên Cầu Giấy… hay các trung tâm thương mại, các trò chơi cầu trượt, tàu lượn, đu quay, đu dây… vẫn hấp dẫn khá nhiều trẻ em. Chị Lê Thị Thảo ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, hầu hết cha mẹ khi mua vé cho con tham gia các trò chơi chỉ quan tâm chúng có thích hay không mà không để ý đến việc thiết bị đã được kiểm định chất lượng hay chưa. Ngoài ra, vẫn còn không ít người chơi ý thức kém, họ không tuân thủ quy định về chiều cao, cân nặng cho phép của người tham gia trò chơi mà còn phớt lờ việc cài dây an toàn, thậm chí còn cho trẻ em đứng dậy khi trò chơi đang vận hành. “Thay vì trông chờ vào các cơ quan chức năng thẩm định độ an toàn của các trò chơi thì mỗi người nên biết cách tự bảo vệ mình và con em mình như không cho trẻ quá nhỏ tham gia các trò chơi cảm giác mạnh. Thú thực, từ khi nghe tin về vụ tai nạn ở Cà Mau tôi không dám cho con chơi những trò chơi có tính nguy hiểm nữa mà khuyến khích chúng chơi những trò vận động đơn giản ” – chị Thảo chia sẻ.

Cần biết tự bảo vệ mình

Về lý do khiến các trò chơi cảm giác mạnh thu hút được sự quan tâm của nhiều người, bác sỹ Nguyễn Thanh Hải - Bệnh viện Việt Tiệp cho rằng, chúng có thể giúp con người giảm căng thẳng, cảm thấy thoải mái, thư giãn, thỏa mãn sự tò mò. Tuy vậy, với trẻ em dưới 16 tuổi chỉ nên cho chơi những trò nhẹ nhàng, khả năng gây chấn thương thấp. Bởi khi tham gia các trò chơi mạo hiểm, những va chạm mạnh có thể khiến người chơi bị chấn thương. Đặc biệt khi người chơi đột ngột bị rơi từ trên cao xuống có thể gây đa chấn thương không có khả năng phục hồi, thậm chí tử vong. Với người yếu bóng vía, trò chơi cảm giác mạnh có thể khiến họ sợ hãi, gây sang chấn về tâm lý. Bên cạnh đó, với những người có tiền sử mắc bệnh hen phế quản, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… thì nguy cơ tai nạn càng lớn. Những trò chơi lộn ngược đầu cũng không thích hợp với trẻ em từ 1-5 tuổi vì nó có thể khiến trẻ sẽ bị tụt não gây bại liệt…

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn của các trò chơi nơi công cộng, ông Đặng Gia Tùng – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội – một trong những nơi đầu tư khá nhiều thiết bị vui chơi cho trẻ em cho biết, nhằm tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, đơn vị này đã thường xuyên yêu cầu kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị trong khu vui chơi, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kiểm định chất lượng trước khi đưa các trò chơi vào khai thác. Nhà cung cấp, đơn vị lắp đặt phải có cam kết về việc bảo hành cũng như chất lượng sản phẩm đã cung cấp, lắp đặt. Bên cạnh đó, công ty cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân phụ trách trò chơi tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người chơi, có chỉ dẫn, cảnh báo cụ thể ở từng trò chơi, phải có đội cứu hộ với đầy đủ trang thiết bị để có thể xử lý nhanh chóng sự cố xảy ra.

Nhằm tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc, người chơi cần đọc kỹ hướng dẫn và tuân thủ nghiêm các quy định của trò chơi và chỉ dẫn của nhân viên phụ trách. Trong trường hợp thiết bị đột ngột dừng lại do mất điện hoặc lý do khác, người chơi cần bình tĩnh ngồi yên tại chỗ chờ sự hướng dẫn của nhân viên vận hành.

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi xảy ra tai nạn tại các khu vui chơi không phải do lỗi người chơi, căn cứ vào mức độ thiệt hại, đơn vị quản lý khu vui chơi đó phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình người chơi. Trong trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.