Đòn trừng phạt của Mỹ chống Iran và những tác động ngược

ANTD.VN - Tổng thống Mỹ vừa cảnh báo bất kỳ quốc gia nào có hoạt động giao thương với Iran sẽ “không thể làm ăn với Mỹ”. Động thái này nhằm siết chặt hơn nữa gọng kìm đối với nền kinh tế Iran sau khi Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt giai đoạn một, có hiệu lực từ ngày 7-8 đối với quốc gia Hồi giáo. 

Đòn trừng phạt của Mỹ chống Iran và những tác động ngược ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) cho rằng đòn trừng phạt hà khắc có thể buộc Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và các quan chức Iran sẽ phải thay đổi “triệt để”

Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng tuyên bố gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các giao dịch mua USD, các kim loại quý, các mặt hàng xuất khẩu cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran là “hà khắc nhất từ trước đến nay”. Nó được đưa ra trong bối cảnh Tehran lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế kể từ hồi tháng 4, khiến đồng rial mất giá khoảng 50% do nền kinh tế sa sút, lạm phát leo thang, khó khăn tài chính tại các ngân hàng trong nước và nhu cầu của người dân mua đồng đôla Mỹ tăng cao, kéo theo các cuộc biểu tình đường phố. 

Nhiều chuyên gia đánh giá những khó khăn kinh tế không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn có nguy cơ đẩy Iran vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của ông chủ Nhà Trắng cùng đội ngũ cố vấn trong Chính phủ khi cho rằng trừng phạt là trụ cột quan trọng trong chính sách chống Iran. Một Iran rơi vào khủng hoảng về kinh tế, bất ổn về chính trị sẽ suy yếu về vai trò và tầm ảnh hưởng của một cường quốc ở khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, phản ứng trước động thái của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani   tuyên bố Tehran sẽ khiến Mỹ phải “hối tiếc” vì đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh Mỹ   và các đồng minh ở Trung Đông sẽ bị “cô lập” do những hành động thù địch nhằm vào Tehran. Đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Iran đối mặt với sự trừng phạt, họ biết cách xử lý chúng. Chế độ Iran cũng có khả năng và ý chí đủ mạnh để trấn áp các “biến cố” này.

Trước khả năng Mỹ sẽ tiếp tục giáng đòn trừng phạt đợt hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Mohammad Ali 

Jafari, khẳng định các lực lượng Iran sẵn sàng thực thi lời cảnh báo phong tỏa Eo biển Hormuz và không nước nào trong khu vực được phép bán dầu. Nếu tuyên bố này được thực thi, thế giới sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng dầu mỏ nghiêm trọng do Iran hiện đứng thứ 2 trên thế giới về trữ lượng khí tự nhiên, đứng thứ 4 về trữ lượng dầu thô, đặc biệt nắm giữ lợi thế địa chiến lược khi kiểm soát Eo biển Hormuz - nơi mỗi ngày có tới khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới đi qua.

Tình trạng hỗn loạn trên thị trường dầu thế giới hoàn toàn có thể gây bất ổn nền kinh tế toàn cầu, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ - một hệ lụy rõ ràng không phải điều Tổng thống Trump mong muốn trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở “Xứ cờ hoa”.  

Mặt khác, nếu Mỹ coi các biện pháp trừng phạt là một công cụ để “bóp nghẹt” Iran và buộc nước này quay trở lại bàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân mới với các điều khoản chiều theo ý muốn của Tổng thống Trump hơn, thì điều đó sẽ không xảy ra.

Thậm chí, các biện pháp trừng phạt này có thể càng làm người dân Iran có thêm quyết tâm đoàn kết chống Mỹ,Không chỉ nhằm vào Iran, tối hậu thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn khiến tình trạng căng thẳng với các đồng minh lâu năm ở châu Âu liên quan đến vấn đề thương mại trở nên sâu sắc hơn.

Trong một tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp và Đức cho biết họ “thực sự lấy làm tiếc” về quyết định của Washington. EU thông báo sẽ thực hiện các bước đi pháp lý để bảo vệ các công ty của liên minh đang “hoạt động kinh doanh hợp pháp ở Iran”.   

Ủy ban điều hành của EU cho biết “quy chế phong tỏa” sẽ phát huy hiệu lực sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Iran. Cơ chế này sẽ ngăn các công ty châu Âu tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt trên. Chính phủ các nước thành viên EU cũng được quyền sử dụng các biện pháp đáp trả “hiệu quả, cân xứng và mang tính răn đe” trong trường hợp doanh nghiệp của họ bị thiệt hại. 

Bên cạnh đó, các quan chức EU cũng khẳng định việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran là vấn đề tôn trọng các thỏa thuận quốc tế cũng như an ninh quốc tế. Các nước còn lại tham gia thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ duy trì các kênh tài chính với Iran và tiếp tục mua dầu cùng khí đốt của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Phản ứng mạnh mẽ của EU và các nước thành viên bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran cho thấy Mỹ lại một lần nữa đặt mình vào tình thế bị cô lập.

Hơn thế, chủ trương cấm vận của Washington sẽ đẩy Iran hợp tác mạnh mẽ hơn với các cường quốc kinh tế vốn là đối thủ của Mỹ như Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ. Và điều này sẽ trở thành sai lầm lớn nhất trong chính sách ngoại giao của Mỹ bởi Nga hay Trung Quốc sẽ can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực địa chiến lược Trung Đông.